Về hưu vẫn bị xử lý để tránh bỏ lọt tội phạm

ThS Nguyễn Văn Trí, Phó Trưởng bộ môn Luật tố tụng hành chính (Trường ĐH Luật TP.HCM), kiến nghị bỏ khỏi dự thảo quy định “tạm đình chỉ giải quyết tố cáo khi có kết luận giám định xác định người bị tố cáo bị bệnh tâm thần hoặc hiểm nghèo”. Bởi vì theo ông, căn cứ tạm đình chỉ này là rất vô lý.

Theo ThS Trí, quy định này dễ khiến sự việc chìm xuồng, nhiều người bị tố cáo lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của mình. “Vì họ chỉ cần tìm cách để được xác định bị tâm thần, bệnh hiểm nghèo thì sẽ tạm đình chỉ. Mà hiện nay việc xác định như thế nào là bệnh hiểm nghèo cũng là một khái niệm mơ hồ” - ông Trí nói.

Ngoài ra, quy định “có kết luận người tố cáo bị bệnh tâm thần” thì đình chỉ giải quyết tố cáo, ông Trí cho rằng điều này càng vô lý. “Trong trường hợp người tố cáo ban đầu họ bình thường, hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật thật sự thì cho dù sau đó họ có bị bệnh tâm thần thì cũng không ảnh hưởng đến tiến trình giải quyết tố cáo” - ông Trí nói.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Trí, Phó Trưởng bộ môn Luật tố tụng hành chính (Trường ĐH Luật TP.HCM), góp ý cho Luật Tố cáo sửa đổi. Ảnh: T.Lâm

Về đối tượng tố cáo, dự thảo luật đã liệt kê người bị tố cáo không chỉ bao gồm cán bộ, công chức, viên chức mà còn là những người nguyên là cán bộ, công chức, viên chức; của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; người được giao nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức.

Ông Trí cho rằng quy định này đã bù đắp được những khiếm khuyết của Luật Tố cáo năm 2011 mắc phải. Tuy nhiên, ông Trí kiến nghị không nên quy định đối tượng tố cáo là hành vi vi phạm nhiệm vụ, công vụ của người nguyên là cán bộ, công chức, viên chức. “Vì hành vi của những người này không thể coi là thực hiện công vụ, nhiệm vụ vì họ đã nghỉ hưu hoặc bị cách chức, miễn nhiệm… Nếu bị tố cáo về hành vi thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì phải là hành vi lúc họ còn đương chức” - ông Trí nói.

Nhưng ý kiến này bị ông Trần Đình Trữ, Phó Chánh Thanh tra TP.HCM, phản bác lại. Ông không đồng tình với ý kiến của ông Trí bởi vì ông Trữ cho rằng khi người bị tố cáo nghỉ hưu hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức thì vẫn phải xử lý, vẫn phải giải quyết tố cáo để tránh bỏ lọt tội phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm