Về thăm Giỏ Cùng, trạm kiểm lâm nổi đầu tiên trên cả nước

Về thăm Giỏ Cùng, trạm kiểm lâm nổi đầu tiên trên cả nước

(PLO)- Thăm trạm kiểm lâm Giỏ Cùng, phấn khởi vì rừng, biển luôn được chăm chút, bảo vệ. Càng mừng hơn nữa khi cuộc sống của những cán bộ kiểm lâm của trạm đang ngày càng được cải thiện, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về…

Được thành lập hơn 20 năm trước, trạm kiểm lâm Giỏ Cùng, thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà (Hải Phòng) là trạm kiểm lâm nổi đầu tiên trên cả nước. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các cán bộ kiểm lâm nơi đây vẫn vững vàng, bảo vệ rừng, biển nơi Di sản thiên nhiên thế giới mới.

Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng
Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng. Ảnh: NS

Tròng trành Giỏ Cùng

Những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp về thăm lại trạm kiểm lâm Giỏ Cùng, trạm kiểm lâm nổi đầu tiên trên cả nước, thuộc VQG Cát Bà.

Có hai cách để đến với Giỏ Cùng. Cách đầu tiên cũng là cách khó khăn nhất là đi đường bộ. Con đường xuyên VQG, phải chật vật vượt núi xuyên rừng nên chỉ dành cho những người có sức khỏe tốt.

Cách thứ hai là đi đường biển với khoảng cách 16 km tính từ bến Bèo (Thị trấn Cát Bà). Với cách này, vừa có thể đến với trạm nhanh hơn, vừa có thể ngắm nhìn cảnh sắc tuyệt đẹp của quần đảo Cát Bà, nơi vừa được công nhận cùng với Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới. Để thuận tiện hơn, chúng tôi lựa chọn việc “nhờ” cán bộ kiểm lâm VQG Cát Bà chở đi bằng canô.

Sau khoảng nửa tiếng đi xuyên qua vịnh Lan Hạ, trạm kiểm lâm Giỏ Cùng hiện ra trước mắt chúng tôi như chiếc nấm khổng lồ vươn lên từ lòng biển.

e-tham-gio-cung-tram-kiem-lam-noi-dau-tien-tren-ca-nuoc-2.jpg
Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng. Ảnh: NS

Đón chúng tôi, anh Phạm Hồng Sơn, trạm trưởng trạm kiểm lâm Giỏ Cùng cho biết, tên của trạm được đặt theo tên của vụng biển nơi trạm “đóng chân”. Gọi là Giỏ Cùng vì nơi đây có hình dáng như chiếc giỏ, lại nằm ở khu vực xa xôi của quần đảo Cát Bà, khó tiếp cận.

Anh Sơn kể, trạm kiểm lâm Giỏ Cùng được thành lập năm 2002, là trạm kiểm lâm nổi đầu tiên ở nước ta. Mãi sau này mới có thêm các trạm nổi khác là Ba Đình, Vạn Tà, Việt Hải (cùng thuộc VQG Cát Bà). Trạm phụ trách quản lý 3.109 ha rừng và mặt nước với bảy tuyến trên đảo, ba tuyến dưới nước, thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Bà.

“Vì đây là vụng kín, trạm được đặt trên biển, gần cửa vào vụng, giúp việc tuần tra, kiểm soát khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt này tốt hơn” – anh Sơn lý giải việc trạm được đặt trên biển.

e-tham-gio-cung-tram-kiem-lam-noi-dau-tien-tren-ca-nuoc-3.jpg
Diện tích nhỏ khiến các cán bộ kiểm lâm phải tính toàn phân chia không gian sao cho tối ưu nhất. Ảnh: NS

Anh Sơn cho biết, ban đầu trạm chỉ có hai phòng rộng hơn 30 m2, một làm phòng ngủ, một là nơi làm việc cùng căn bếp nhỏ. Sau này, anh em cơi nới, thêm thắt để có diện tích gần 200 m2 như hiện nay. Không gian cỏn con này được tính toán, phân chia đến từng ly từng tí một dùng làm nơi ngủ, làm việc, khu nhà bếp, nhà vệ sinh, chỗ ăn uống, nghỉ ngơi, tiếp khách và trồng các loại cây gia vị, rau xanh.

Cuộc sống, sinh hoạt của các cán bộ kiểm lâm tại trạm kiểm lâm Giỏ Cùng luôn vất vả cả khi mưa lẫn lúc nắng, từ hè về tới đông sang. Mỗi tuần ba lần, trạm cắt cử anh em luân phiên vào chợ Cát Bà mua lương thực, thực phẩm, nước uống, nước ngọt dùng cho sinh hoạt.

Trong muôn vàn nỗi vất vả, khổ nhất là nước ngọt. Theo quy định, tiêu chuẩn mỗi người một tháng chỉ được sử dụng 1.5 khối nước. Vì thế, không ai bảo ai, mọi người tiết kiệm đến mức tối đa. Tắm, giặt bằng nước biển chỉ dám tráng qua chút nước ngọt. Mùa khô, tắm theo “kiểu em bé”. Có nghĩa là tắm trước bằng nước biển, sau đó ngồi chậu rồi dội ca nước ngọt vừa đủ để trôi muối đọng trên da. Nước trong chậu sau đó dùng tưới rau. Sóng điện thoại di động khi có khi không. Để có thể liên lạc với đất liền, các anh nghĩ ra cách dùng lọ nhựa để “chắt” sóng điện thoại. Sau đó, cho điện thoại di động vào trong lọ để đón sóng.

e-tham-gio-cung-tram-kiem-lam-noi-dau-tien-tren-ca-nuoc-6.jpg
e-tham-gio-cung-tram-kiem-lam-noi-dau-tien-tren-ca-nuoc-7.jpg
Cách "hứng sóng" độc đáo của các cán bộ kiểm lâm trạm Giỏ Cùng. Ảnh: NS

Ở trạm Giỏ Cùng, sợ nhất là khi mưa bão. Mỗi lần mưa to, sóng lớn là các cán bộ kiểm lâm phải mặc áo phao, sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống vỡ bè. “Đã từng có lần gió nam gây sóng lớn hơn 20 ngày, canô, tàu thuyền không thể đi lại, trạm bị chia cắt hoàn toàn. Những ngày đó, anh em trên trạm chỉ ăn cơm trắng với độc món cá khô.

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng năm nào trạm cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ rừng, biển” - anh Sơn kể.

Đón Tết trên biển để gác rừng

Hiện, trạm Giỏ Cùng có bốn cán bộ kiểm lâm. Ngoài anh Phạm Hồng Sơn, còn có ba cán bộ khác, là các anh: Nguyễn Trọng Hạnh, Trần Văn Mừng, Nguyễn Văn Giao. Theo quy định, 1/2 lực lượng tức là hai cán bộ được nghỉ Tết Nguyên đán đến hết mồng 5, còn lại hai cán bộ thường trực tại trạm để bảo vệ rừng, biển.

“Có một số anh em trạm trước đây do quá buồn trong những ngày trực Tết đã đưa cả vợ con ra trạm. Thế nhưng điều kiện sinh hoạt ở đây khó khăn quá nên cũng chỉ được một hoặc hai hôm rồi phải cho về” – anh Sơn kể.

Cứ như thế, năm nào cũng vậy, những người đến lượt phải trực Tết để canh rừng ở lại trạm cho đến hết Tết. Đến khi đồng đội ra thay ca, những người trực tết mới được về sum vầy, đón xuân cùng gia đình.

e-tham-gio-cung-tram-kiem-lam-noi-dau-tien-tren-ca-nuoc-5.jpg
Các cán bộ trạm kiểm lâm Giỏ Cùng thảo luận trước mỗi chuyến tuần tra. Ảnh: NS

Ăn Tết ở Giỏ Cùng không khác mấy so với đất liền, cũng đủ cả bánh chưng, giò xào, dưa hành, thịt kho đông… Để bảo quản lương thực, thực phẩm trong điều kiện không có điện, anh em ở trạm nghĩ ra chiếc tủ lạnh độc đáo. Đó là dùng chiếc thùng xốp xếp đá lạnh xung quanh, lương thực, thực phẩm để ở giữa.

Tết đến, Giỏ Cùng cũng có cành đào để đón xuân. Khi thì do ban lãnh đạo vườn tặng, khi thì do anh em tự mua để “đưa” Tết về.

Anh Giao kể, vì là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, ngày bình thường vốn ít người tới thăm hay qua lại, đến ngày Tết lại chẳng có ai. Ngày cuối năm, anh em tất bật làm cỗ rồi cùng nhau xem ti vi đợi giao thừa. Cúng giao thừa xong, nếu bắt được sóng thì gọi về cho vợ con, người thân, còn nếu không thì đắp chăn ngủ.

e-tham-gio-cung-tram-kiem-lam-noi-dau-tien-tren-ca-nuoc-8.jpg
Ban thờ Bác Hồ được đặt trang trọng trong diện tích vốn chẳng nhiều nhặn gì ở trạm kiểm lâm Giỏ Cùng. Ảnh: NS

“Từ Tết Nguyên đán năm 2021, trạm được trang bị ti-vi bắt sóng vệ tinh nên đã có thể xem được lời chúc Tết của Chủ tịch nước. Vừa rồi, anh em trong trạm quyết định kéo dịch trạm vào gần khu vực Trạm phát sóng viễn thông ở xã Việt Hải để cố gắng bắt được sóng điện thoại di động, sóng 4G tốt hơn.

Tết năm nay, các thành viên trực trạm có thể gọi điện thoại di động, gọi trò chuyện bằng hình ảnh với các thành viên trong gia đình, bạn bè nơi đất liền vào khoảnh khắc năm cũ qua, năm mới tới” - anh Nguyễn Văn Giao, cán bộ trạm kiểm lâm Giỏ Cùng chia sẻ.

e-tham-gio-cung-tram-kiem-lam-noi-dau-tien-tren-ca-nuoc-4.jpg
Một chuyến tuần tra trên biển thường ngày của các cán bộ kiểm lâm trạm Giỏ Cùng. Ảnh: NS

Thêm một mùa xuân nữa lại về trên trạm kiểm lâm Giỏ Cùng nói riêng, “đảo Ngọc” Cát Bà nói chung. Dù khó khăn vất vả đến mấy, thế nhưng các cán bộ kiểm lâm trạm Giỏ Cùng hay toàn thể các cán bộ kiểm lâm VQG Cát Bà vẫn từng ngày nỗ lực bám rừng, bám biển, bảo vệ nơi đây.

Đặc biệt, vừa qua, quần đảo Cát Bà cùng với vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, cho nên trọng trách, nhiệm vụ của các cán bộ kiểm lâm chắc chắn càng thêm vất vả hơn. Thế nhưng, với tình yêu dành cho rừng, biển thể hiện qua ánh mắt cũng như những gian khó các anh đã vượt qua, chúng tôi tin rằng các anh sẽ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đọc thêm