Vén màn bí mật về hội kín của những bộ óc siêu việt nước Mỹ

Nhà vật lý học người Mỹ John Archibald Wheeler - người đưa ra thuật ngữ “lỗ đen”.

Quá trình hình thành

John Archibald Wheeler là nhà vật lý, nhà vũ trụ học nổi tiếng, người đưa ra các thuật ngữ như “lỗ đen”, “lỗ sâu” và “bọt lượng tử”. Vào những năm 1940 - 1950, Wheeler là người chuyên thực hiện các dự án quốc phòng, tham gia phát triển vũ khí nguyên tử và hydro. Hợp tác với Wheeler, còn có Eugene Wigner, người sau đó đã nhận giải Nobel Vật lý và Giáo sư kinh tế Oskar Morgenstern, một trong những người sáng lập ra lý thuyết trò chơi.

Cùng với Wigner, Morgenstern là Marvin Goldberger - nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng, Chủ tịch Viện Công nghệ California, người từng tham gia Dự án Manhattan - dự án nghiên cứu và chế tạo những quả bom nguyên tử đầu tiên, Wheeler đã thực hiện ý tưởng xây dựng một viện thí nghiệm nghiên cứu về an ninh quốc gia. Tuy không đạt kết quả như mong muốn, nhưng việc làm của Wheeler đã giúp 3 nhà vật lý California gồm Kenneth Watson, Keith Brueckner và Marvin Goldberger, những người chuyên làm tư vấn cho các tập đoàn công nghiệp quốc phòng, hình thành ý tưởng thành lập hội các nhà khoa học chuyên tư vấn về các vấn đề an ninh quốc gia.

Giáo sư Trường Đại học Columbia, Charles Townes - một trong những người tạo ra máy phát lượng tử của bức xạ điện từ, laser và maser và là Phó Chủ tịch Viện Phân tích Quốc phòng (IDA), đơn vị nằm dưới sự bảo trợ của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cũng quan tâm đến ý tưởng này.

Trên cơ sở báo cáo của Townes với Bộ trưởng Quốc phòng Neil McElroy, hội các nhà tư vấn độc lập trực thuộc IDA đã hình thành và được Cơ quan Triển khai các dự án nghiên cứu quốc phòng có triển vọng của Lầu Năm Góc (DARPA) cấp cho 250 nghìn USD trong thời gian đầu. Hội có mật danh là “Mặt trời mọc”, nhưng 3 nhà vật lý California không thích cái tên này vì nó như sự ám chỉ vụ nổ bom hyđro. Sau đó, vợ M. Goldberger đề nghị đặt tên cho hội là Jason để tỏ lòng kính trọng người thuyền trưởng của con tàu Argo trong thần thoại Hy Lạp.

Ngày 17/12/1959, Watson, Brueckner, Goldberger và Murray Gell-Mann - nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, nhà phát minh tương lai của các hạt quark (giải thưởng Nobel năm 1969) đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của hội. Tham gia vào sự kiện này có cố vấn khoa học của Nhà Trắng - nhà hóa học vật lý có tiếng George Kistyakovsky và 22 nhà khoa học khác, 7 người trong số họ sau đó được trao giải Nobel. Lịch sử của Hội Jason được bắt đầu từ cuộc họp đó, nhưng ngày 1/1/1960 được lấy là ngày thành lập hội.

Ban đầu, tổ chức của Hội Jason rất đơn giản. Đứng đầu hội không hưởng lương là Chủ tịch. Nhà vật lý David Ketscher được IDA thuê làm quản trị viên là người duy nhất trong biên chế. Các hội viên thế hệ đầu tiên là các giáo sư đại học và họ đã tập trung hoạt động vào các kỳ nghỉ của mình. Mỗi năm vào mùa xuân, thường là vào tháng tư, các thành viên của ban tổ chức gặp và tìm hiểu về nhu cầu của Lầu Năm Góc, biên soạn tập sơ tuyển các nhiệm vụ và chuyển nó cho các hội viên. Mỗi hội viên có quyền chọn đề tài theo ý của mình, và họ có thể ra khỏi hội bất cứ lúc nào mà không phải chịu hậu quả gì.

Vào các tháng 6 và 7, các hội viên sẽ tập trung làm việc trong sáu tuần. Họ dự họp với những người đặt hàng, và sau đó làm việc riêng. Mùa hè đầu tiên, các thành viên của hội làm việc ở Phòng thí nghiệm phóng xạ Lawrence tại Berkeley, mùa hè thứ hai - trong khuôn viên của trường đại học ít được biết đến ở Maine, mùa hè thứ ba - lại ở Berkeley, mùa hè thứ tư - tại một điền trang thuộc sở hữu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia nằm trên bờ Đại Tây Dương. Trong tương lai, nơi gặp gỡ vẫn được thay đổi, vào các tháng 11 và 1, họ chỉ tập trung làm việc một vài tuần.

Vào thời kỳ DARPA nghiên cứu khả năng xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia trước khi có chương trình “Sáng kiến phòng thủ chiến lược” của Reagan, các hội viên Jason được yêu cầu đánh giá khả năng bên tấn công, như Liên Xô chẳng hạn, có thể thực hiện các vụ phóng tên lửa vào Mỹ bằng cách tiến hành thử hạt nhân để ngụy trang sự bức xạ nhiệt của các động cơ khi tăng tốc.

Các hội viên Jason khẳng định rằng điều này không thể xảy ra vì để ngụy trang thì các vụ nổ nhiều megaton phải được thực hiện ngay trong lãnh thổ nước Mỹ. Một yêu cầu khác mà các nhà khoa học phải giải quyết là hoạt động liên lạc với tàu ngầm bằng sóng vô tuyến cực dài, tuy nhiên đến năm 2004, Bộ chỉ huy lực lượng Hải Quân Mỹ đã hủy chương trình này.

Đường mòn Hồ Chí Minh nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam.
Đường mòn Hồ Chí Minh

Lầu Năm Góc cũng đã lôi kéo Hội Jason tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc chiến ở Việt Nam. Năm 1964, nhà vật lý nổi tiếng William Nirenberg phân tích khả năng sử dụng các thiết bị quan sát ban đêm để chống lại hoạt động du kích ở Nam Việt Nam.

Vào tháng 8/1966, các hội viên Jason cùng với một nhóm các chuyên gia dân sự cùng đánh giá tính hiệu quả các trận ném bom của Mỹ xuống miền Bắc Việt Nam và thống nhất kết luận rằng một chiến lược như vậy chắc chắn thất bại, nhưng giới chỉ huy quân sự không đồng tình. Các hội viên Jason cũng đã phân tích khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Đông Dương và họ đã kịch liệt phản đối ý tưởng này.

Ngoài ra, các hội viên Jason còn được yêu cầu nghiên cứu các giải pháp cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh - con đường bí mật vận chuyển người và vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam. Nirenberg và các đồng nghiệp đề xuất thả xuống đó các bộ cảm biến điện tử có khả năng phát hiện sự di chuyển của con người, phương tiện và chuyển tín hiệu cho máy bay tới ném bom. Mùa thu năm 1966, người đứng đầu Lầu Năm Góc Robert McNamara đã chấp thuận, và sau đó, Tổng thống Lyndon Johnson cũng tán thành các đề xuất này.

McNamara đã cho xây dựng “Hàng rào chống xâm nhập”, thường được biết đến với cái tên “hàng rào điện tử McNamara”, còn trên đường mòn Hồ Chí Minh người ta đã sử dụng các cảm biến điện tử để theo dõi sự chuyển động của các phương tiện vận tải. Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Việt Nam cho rằng các biện pháp này đã giúp giảm cường độ vận tải trên đường mòn tới 80%, tuy nhiên trên thực tế, hiệu quả việc triển khai các biện pháp này thấp hơn rất nhiều. Các lực lượng miền Bắc vẫn tiến hành các hoạt động tích cực ở miền Nam Việt Nam.

Sau đó, vào tháng 4/1970, Ủy ban Vận động sinh viên chống chiến tranh ở Việt Nam đã công bố một số thông tin về hoạt động của các hội viên Jason được lấy từ biên bản các cuộc họp của hội. Nhưng, đó mới chỉ là khởi đầu.

Ngày 13/6/1971, tờ The New York Times đã công bố một loạt các bài viết gây tiếng vang lớn trên thế giới, nổi bật nhưCác tài liệu của Lầu Năm Góc. Đây là những đoạn trích từ các tài liệu mật về chính sách của Mỹ ở Việt Nam được soạn thảo theo lệnh của McNamara. Trong các bài viết có nhiều trích dẫn từ những nghiên cứu của các hội viên Jason về các vụ ném bom và hàng rào điện tử. Tuy nhiên, tên tuổi cụ thể của họ không được nhắc tới.

Theo quy định, các thành viên của hội không cần cam kết giữ bí mật tư cách hội viên (bản thân họ không muốn công khai). Còn nội dung các công trình nghiên cứu, đương nhiên, phải được bảo mật tuyệt đối. Nhưng cuối cùng, gần như tất cả tên tuổi của các hội viên Jason đã được công luận biết đến và họ phải hứng chịu các cuộc phản đối của sinh viên, sự ghét bỏ của đồng nghiệp, cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, bị so sánh với “những kẻ giết trẻ em” trong các trại tập trung của Đức Quốc xã. Một số người do không chịu nổi đã chia tay với hội như ông Steven Weinberg - Giáo sư Đại học California

Phương pháp phát hiện tàu ngầm

Vào năm 1973, Viện Nghiên cứu Stanford, đơn vị hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bảo trợ cho Hội Jason thay IDA. Khi đó, gia nhập hội không chỉ có các nhà vật lý, mà còn cả các nhà sinh học, chuyên gia máy tính và giáo sư kỹ thuật điện. Vào cuối những năm 1970, các thành viên Hội Jason có nhiều khách hàng mới như Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển năng lượng, Quỹ Khoa học quốc gia, Cục Tình báo Trung ương (CIA)... Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ là đơn vị thường xuyên sử dụng các thông tin của hội. Họ quan tâm đến phương pháp phát hiện tàu ngầm của các nhà khoa học như sử dụng nguyên tắc định vị bằng tiếng vang, phân tích khả năng phát hiện hạt neutrino được phát ra từ lò phản ứng của tàu ngầm hạt nhân.

Năm 1981, theo hợp đồng với Lầu Năm Góc, Công ty MITRE có trụ sở chính ở ngoại ô Washington, chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin có trách nhiệm thực hiện tất cả các công việc hành chính của hội. Trên thực tế, DARPA đã ngừng bảo trợ cho Hội Jason từ 4 năm trước. DARPA thường đảm bảo 3,5 triệu USD, chiếm khoảng 40% ngân sách hàng năm của hội.

Còn các khách hàng khác như CIA và lực lượng Hải quân không trực tiếp cung cấp tài chính cho hội, mà thông qua các kênh của DARPA. Vì vậy, sau khi hủy hợp đồng với DARPA vào tháng 3/2002, hội này lâm vào thế bí. Sau các cuộc đàm phán bí mật vào tháng 6/2002, Hội Jason đã ký hợp đồng trực tiếp với Ban giám đốc Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Bộ Quốc phòng Mỹ, đơn vị quản lý DARPA. Theo báo cáo gần đây, ngân sách của hội hiện nay lại là 3,5 triệu USD.

Đến năm 2006, đã có hàng trăm nhà khoa học, trong đó có 11 người đoạt giải Nobel và 43 người là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, từng tham gia vào hoạt động của hội. Hiện nay, hội thường có khoảng 50 người, trong đó có gần 30 nhà vật lí, còn lại là các nhà sinh học, hóa học, khoa học máy tính, kỹ sư và các chuyên gia khác. Hội Jason, cũng như trước đây, chủ yếu làm việc trong thời gian nghỉ hè. Các cuộc hội thảo được tổ chức tại tòa nhà thuê của Công ty General Atomics ở thành phố La Jolla, California. Hơn một nửa các dự án của hội thuộc diện tối mật.

Theo An ninh Thế giới

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới