Làm dâu triệu họ
LTS: Một nghề luôn được nhìn thấy với vẻ hào nhoáng như nghề tiếp viên hàng không liệu có thực sự “bóng bẩy” như những gì người ta vẫn thường nghĩ? Trên thực tế, những người trong cuộc cho rằng tiếp viên hàng không cũng là một nghề như bao nghề khác và họ thường xuyên phải đối mặt với nhiều thách thức, stress rất đặc thù nhưng không phải ai cũng biết. |
Vì thế, họ không được phép sai sót, nếu có sai sót thì tính chất của nó cũng trở nên đặc biệt và bị đưa ra “mổ xẻ” rất gay gắt. Và chuyện sai sót này cũng là chuyện cơm bữa, vì mỗi người khách có một cá tính khác nhau.
“Vì sao ư? Vì mọi người nghĩ rằng chúng tôi được đào tạo đặc biệt, được hưởng một chế độ đặc biệt nên chuyện phải đương đầu với hành khách khó tính là chuyện hiển nhiên. Thực sự là từ điều này mà chúng tôi đã không ít lần khốn đốn vì gặp phải những khách hàng khó tính. Chúng tôi không làm dâu trăm họ, mà là triệu họ. Mỗi người một ý khác nhau, mỗi người một tính cách, tâm trạng khác nhau nhưng dù có thế nào thì như một nhiệm vụ bất khả kháng, chúng tôi vẫn phải kiên nhẫn phục vụ với thái độ tốt nhất. Nhiều khi đã cố hết sức rồi mà được lòng người nọ thì vẫn mất lòng người kia”, nữ tiếp viên này chia sẻ.
Chuyện chất lượng phục vụ của đội ngũ tiếp viên hàng không Việt Nam được nhiều khách hàng đánh giá là “vẫn còn nhiều điều phải bàn”, nhất là sau những vụ việc nổi cộm gần đây như vụ HLV Lê Minh Khương. Vấn đề này sẽ tiếp tục được đề cập trong các bài viết sau. Trong phạm vi bài viết này, các tiếp viên cho biết cái sự “làm dâu trăm họ” của tiếp viên hàng không còn nằm ở chỗ nhiều khi họ gặp khách hàng là những “bà mẹ chồng quá quắt, chỉ soi mói và bắt bẻ con dâu”.
Một nam tiếp viên hàng không đã chia sẻ câu chuyện mình chứng kiến từ đồng nghiệp: “Có lần một hành khách mở hộc lấy hành lý làm rơi túi đồ vào mặt tiếp viên đang đứng phục vụ. Cô tiếp viên nhắc nhở hành khách phải cẩn thận thì bị quát, mắng xối xả với những lời lẽ khiếm nhã như: “Đây là nhiệm vụ của mày, mày phải xếp lại vali cho tao”. Khi ra khỏi máy bay, vị này còn kịp quay lại chửi thêm cho cô tiếp viên này một câu nữa. Nhưng cô ấy vẫn phải im lặng, thậm chí còn phải nhoẻn miệng cười”.
Rồi anh kết luận: “Phải phục vụ trong ngành hàng không bạn mới hiểu hết ý nghĩa của câu nói “khách hàng luôn luôn đúng”. Suốt hơn một năm đi làm, số lần tôi bị khách chửi có khi bằng tổng số lần bị chửi của cả cuộc đời”.
Nghề nguy hiểm, áp lực lớn
Dù được ăn ngon mặc đẹp, được đi đến nhiều nơi trên thế giới nhưng thực tế các tiếp viên hàng không ngay từ khâu thi tuyển đã gặp phải những “cú sốc” từ hình thức thi tuyển. Sau đó là hàng loạt những áp lực về thời gian, sự thay đổi về áp suất, múi giờ, công việc phục vụ căng thẳng trong máy bay và những sự cố khách quan khác, vv…
Sau khi vượt qua được những thử thách cam go ở khâu thi tuyển, chủ yếu liên quan đến sức khỏe, kỹ năng ứng xử, phản xạ thì một tiếp viên hàng không tiếp tục đối mặt với hàng loạt thử thách thực sự.
Những thử thách này thường bị ánh hào quang che khuất đi, chỉ những người trong nghề rồi mới hiểu.
"Chỉ cần gặp tai nạn là tất cả máy bay sẽ chết hết. Đó là chưa kể những chuyện như khi có dịch bệnh SARS, cúm H1N1, hành khách có thể thay đổi lịch trình nhưng tiếp viên thì tuyệt đối không thể. Khi phục vụ khách, chúng tôi không thể đeo khẩu trang, có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào"
Nữ tiếp viên sinh năm 1987 trên cho biết: “Thời gian bay liên tục, cường độ làm việc cao, liên tục phải phục vụ hàng ngàn khách hàng khác nhau là áp lực lớn nhất của những tiếp viên hàng không. Việc bay liên tục sẽ khiến tiếp viên mệt mỏi, không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, có khi chỉ nghỉ được 40 phút là chuyến bay tiếp theo đã bắt đầu. Trong khi đó, bất kể một tiếp viên nào cũng luôn luôn phải giữ thái độ niềm nở với hành khách và phục vụ họ chu đáo nhất. Đó là một thách thức lớn đối với chúng tôi”.
Một trong những hệ quả trực tiếp của những áp lực này là sức khỏe rất lớn. Tiếp viên hàng không liên tục phải đi qua các vùng miền với kiểu khí hậu khác nhau, thay đổi nhiệt độ, áp suất đột ngột khiến nhiều người mắc các bệnh về hô hấp, viêm xoang, rối loạn giấc ngủ, vv… Thậm chí có người còn bị hoang tưởng do mất ngủ triền miên khi phải thay đổi múi giờ liên tục.
Bên cạnh đó, nguy cơ đổ vỡ hôn nhân đối với một tiếp viên hàng không (nhất là nữ) là không nhỏ. “Ngay cả với một người độc thân làm tiếp viên hàng không, thời gian cho chính mình còn không có thì nói gì đến một người đã có gia đình. Nhiều đồng nghiệp của tôi gia đình lục đục chỉ vì vợ đi bay nhiều quá, không thể dung hòa nổi cuộc sống với chồng, con. Nhiều người đã phải bỏ nghề, nếu không thì bỏ chồng để tiếp tục được thỏa mãn khát vọng”, nữ tiếp viên trẻ nói.
Nghề hàng không cũng được coi là một trong những nghề nguy hiểm nhất trên thế giới bởi nguy cơ rủi ro rất cao. "Chỉ cần gặp tai nạn là tất cả máy bay sẽ chết hết. Đó là chưa kể những chuyện như khi có dịch bệnh SARS, cúm H1N1, hành khách có thể thay đổi lịch trình nhưng tiếp viên thì tuyệt đối không thể. Khi phục vụ khách, chúng tôi không thể đeo khẩu trang, có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào", nữ tiếp viên trẻ tâm sự.
Áp lực lớn nhưng vẫn rất hot Tuy áp lực là vậy nhưng nhiều người vẫn lao vào ngành hàng không vì yêu thích, vì sự “danh giá” của nghề này. Tuy nhiên, có lý do tế nhị nữa mà nữ tiếp viên này “bật mí”, đó là với trình độ của một tiếp viên hàng không (thường là học hết cấp 3), bạn sẽ khó có thể tìm được một công việc nào có mức thu nhập cao như nghề này (dù là có nhan sắc đi nữa). “Nhiều nghề bạn phải làm rất vất vả mà thu nhập không cao bằng. Đó là chưa kể các cơ hội du lịch miễn phí và các ưu đãi khác. Nhiều người vào rồi thấy vất vả nhưng cũng không muốn bỏ bởi bỏ rồi đi làm chỗ khác liệu có được xài đồ hiệu thoải mái, đi nước ngoài như đi chợ, rồi các mối quan hệ khác không? Vì thế, tiếp viên hàng không vẫn là một nghề hot, nhất là với các bạn trẻ”, nữ tiếp viên này cho biết. |
Theo N.Anh (VNN)