Giới tiếp viên hàng không đã truyền tai nhau một câu chuyện nổi tiếng liên quan đến sự cố có một không hai trong một chuyến bay quốc tế cách đây khá lâu.
Khi máy bay đã cất cánh, một nữ tiếp viên trẻ chạy vào buồng lái báo cáo với cơ trưởng về một hành khách nước ngoài ở khoang hạng C (hạng thương gia, khách VIP) hồn nhiên cởi hết đồ rồi nằm ngủ ngon lành khiến cả tiếp viên lẫn hành khách đều “chướng mắt” và xấu hổ.
Tuy nhiên, khi nữ tiếp viên này nhắc nhở, vị khách VIP kia tỉnh bơ nói: “Đây là quyền cá nhân, tôi trả tiền mua vé hạng C thì tôi có quyền làm những gì mình thích”!
Hành khách đi máy bay cũng không ít lần gây phiền nhiễu cho các tiếp viên (Ảnh minh họa: Internet)
Thấy nữ tiếp viên méo mặt, bó tay, vị cơ trưởng liền cử ngay một nam tiếp viên đến “xử lý tình huống”, nhưng kết quả là vị khách vẫn không chịu hợp tác. Cực chẳng đã, vị cơ trưởng liền nghĩ cách hạ nhiệt độ máy bay xuống thật thấp khiến vị khách VIP này rét tun, phải kéo chăn trùm kín cơ thể, 'xóa sổ bức tranh nude' chềnh ềnh trong khoang VIP!
Đây là một trong những sự cố mà tiếp viên hàng không gặp phải (tất nhiên những sự cố “độc” kiểu này không phổ biến). Ở mức độ thấp hơn, các tiếp viên đã không ít lần méo mặt vì hành khách có những sở thích, đòi hỏi, hành động quái đản có thể gây nguy hiểm cho cả bản thân họ lẫn phi hành đoàn.
Một nữ tiếp viên hàng không tại Việt Nam năm nay 28 cho biết cô còn nhớ như in một trường hợp xảy ra cách đây vài năm.
Chiều hôm đó, chiếc máy bay mà cô phục vụ chuẩn bị hành trình bay từ TP.HCM ra Hà Nội. Lúc máy bay chuẩn bị lăn bánh rời bãi đỗ để ra đường băng thì phi công hoảng hồn thấy một người đàn ông không biết bằng cách nào lọt được vào sân, đứng ngay trước đầu máy bay đưa tay lên vẫy!
Về sau, mọi người tìm hiểu mới biết, vị khách trên chuẩn bị ra Hà Nội làm chủ hôn cho một đám cưới. Tuy nhiên, do ra trễ nên bị lỡ chuyến bay. Sợ hỏng đại sự của đứa cháu nên ông này cố lẻn vào sân bay, nghĩ bụng chỉ cần vẫy như ngoắc xe đò thì máy bay sẽ dừng lại!
Chưa hết, có nhiều khách hàng đi máy bay còn có tật trộm đồ khiến tiếp viên khốn khổ, phải bỏ tiền túi ra đền. Đồ dùng trên máy bay (chăn, dây an toàn, vv…) đều là hàng xịn nên nhiều khách hàng “ham” đã hồn nhiên đút túi mang về!
Một số chuyến bay từng gặp sự cố do hành động táy máy của hành khách. Dù tất cả mọi người đã được hướng dẫn ngồi yên và thắt dây an toàn trong suốt chuyến bay nhưng vẫn có những trường hợp điếc không sợ súng!
Những pha “nghịch dại” không đỡ nổi
Trường hợp một hành khách mở cửa thoát hiểm để chơi xảy ra cách đây 2 năm là một ví dụ điển hình cho việc “điếc không sợ súng” của hành khách khi đi máy bay. Khi chiếc máy bay Airbus vừa tiếp đất, còn đang lăn bánh trên đường băng thì bất chợt một cậu thanh niên 18 tuổi chạy ra mở bung cánh cửa thoát hiểm.
Nữ tiếp viên 28 tuổi này kể lại, nét mặt vẫn không khỏi bàng hoàng: “Chốt của cánh cửa thoát hiểm trên máy bay rất nhạy, chỉ cần đưa tay kéo xuống là sẽ bung ra ngay. Lúc cậu thanh niên đó mở bung cánh cửa, cả máy bay nháo nhào vì tưởng có sự cố, may mà không có gì đáng tiếc xảy ra”.
Sau này, vị hành khách trên đã bị hãng hàng không phạt tiền vì hành vi gây nguy hiểm cho chuyến bay. Khi được hỏi sao lại hành động như vậy, cậu thanh niên tỉnh bơ trả lời: “Dạ, em chỉ tò mò, thử xem cánh cửa đó có mở ra được không chứ đâu ngờ lại to chuyện như thế!”.
Một nữ tiếp viên hàng không tuyến nội địa tên K., sinh năm 1982 cũng từng bị hành khách làm cho nhiều phen thất kinh.
K. nhớ như in chuyến bay đặc biệt từ Hà Nội về TP.HCM hôm ấy. Tất cả hành khách đã được thông báo là không được hút thuốc lá. Ấy vậy mà tự dưng còi báo cháy hú lên ầm ĩ.
Nghe tiếng còi, hành khách và các thành viên trong tổ bay nháo nhào, cuống cuồng. Hóa ra có một vị khách đã chui vào nhà vệ sinh lén hút thuốc lá. Thiết bị báo cháy trên máy bay rất nhạy, nhận biết có khói thuốc là lá rú lên inh ỏi.
“Khổ nhất là khi gặp phải hành khách cố mang vác đồ xách tay cồng kềnh. Có người lên máy bay mà y chang một cây máng đồ, túi lớn, túi nhỏ hai bên, đằng sau đằng trước là ba lô. Họ để đồ tràn cả ra lối đi. Trong lúc cất đồ lên ngăn phía trên, họ trèo lên làm gãy cả tay ghế.
Hành khách đâu biết rằng để thay một tay ghế như vậy làm hãng tốn cả ngàn USD. Đồ đạc chắn lối đi sẽ gây vấp té cho người khác. Bị thương ở môi trường trên không rất nguy hiểm, dù chỉ là chấn thương rất nhỏ cũng có nguy cơ bị mất mạng như chơi bởi vết thương không cầm được máu, máu sẽ chỉ ngưng chảy khi máy bay tiếp đất” – K. chia sẻ.
Theo N.Anh – Thanh Huyền (VNN)
Bài 3: Những pha “tác nghiệp” thót tim của tiếp viên hàng không