Không có nhiều thời gian để tiêu tiền!
Khoảng cách giữa mỗi lần được nghỉ không nhiều. Có nhiều người chỉ kịp vào khu nghỉ để ngả lưng, nghỉ ngơi chưa lại sức thì đã phải tất bật chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo. Trên máy bay, sau khi phục vụ khách, tiếp viên có thể thay nhau nghỉ ngơi nhưng không ai có thể “lại sức” trong trạng thái máy bay trên không như vậy.
Nếu làm đủ lâu đến mức phát sinh những nghịch lý trên thì đây chính là thời điểm các tiếp viên cảm thấy rõ rệt nhất chuyện mình có nhiều tiền mà không biết tiêu xài thế nào và tiêu vào lúc nào.
“Vì làm gì có nhiều thời gian mà tiêu xài đúng ý mình thích? Có đồng nghiệp của tôi còn tâm sự cái phòng ngủ của bạn ấy chứa chất đồ hiệu đủ loại nhưng vật được bạn ấy sử dụng thường xuyên nhất là chiếc giường ngủ! Sau mỗi chuyến bay, sau mỗi ngày làm việc bở hơi tai, khi trở về nhà, họ chỉ muốn ngủ một giấc thật ngon để chuẩn bị cho các lần bay tiếp theo”, nữ tiếp viên sinh năm 1987 bật mí.
Bởi thế, có người vẫn sống bình dị bằng cách để tiền cho bố mẹ quản, lo công việc gia đình. Nhưng cũng có người đầu tư bất động sản rồi bị lừa trắng tay. Có người không dám đầu tư gì, cũng không biết tiêu gì, nên càng ngày càng lấn sâu vào chuyện xài đồ hiệu hoặc những thú ăn chơi xa xỉ, tốn kém vào những thời điểm hiếm hoi được nghỉ ngơi.
Dễ sa vào tệ nạn xã hội
Trong khi tiếp viên nữ đầu tư tiền bạc vào thời trang, mỹ phẩm (phần lớn là hàng hiệu) thì tiếp viên nam không có đam mê với những lĩnh vực này.
Vào những khoảng thời gian được rảnh rỗi (dù là hiếm hoi), họ thường tìm cách tiêu pha, “đập phá” sao cho bõ những ngày làm việc vất vả triền miên.
Từ đây, có những nam tiếp viên đã “nướng” tiền của mình vào những trò đỏ đen, cờ bạc. Theo lời kể của một tiếp viên nam làm việc đã gần chục năm trong ngành hàng không, bạn bè đồng nghiệp của anh đã có những người vì “nhiều tiền và không biết tiêu vào việc gì” nên đã tự tìm đến cách “đốt tiền” này như một kiểu thỏa mãn tinh thần sau những ngày làm việc căng thẳng.
Chuyện có tiền mà không biết tiêu vào việc gì, không biết tiêu vào lúc nào cũng là một “bi kịch” của tiếp viên hàng không nói chung. Lý do thì khá đơn giản: Trong công việc, cuộc sống thường ngày họ đã được hưởng thụ những sản phẩm, dịch vụ “5 sao” nên không còn đòi hỏi gì nhiều.
Chuyện mang tiền nướng vào trò đỏ đen cũng không phải là “hàng độc quyền” của tiếp viên nam. Cũng đã có những tiếp viên nữ vì buồn chán, chồng cũng làm phi công nên bay suốt, lịch làm việc của hai người thường chẳng bao giờ trùng nhau nên luôn sống cảm giác cô quạnh. Khi có người “dụ dỗ”, cô đã vét sạch tiền trong két mang đi … đánh bạc rồi về ly dị chồng sau khi thua trắng tay!
Trả giá đắt về sức khỏe Thanh, sinh năm 1983, ngụ tại TP.HCM, nữ tiếp viên hàng không chuyên bay tuyến nội địa Việt Nam tâm sự: “Mọi người cứ xuýt xoa ôi sao thu nhập của tiếp viên hàng không cao thế, tới vài chục triệu đồng/tháng. Ừ thì so với mặt bằng chung, thu nhập như thế là khá thật nhưng có ai biết các nguy cơ hiểm nghèo mà chúng em gặp phải đâu. Để được hưởng một mức thu nhập như thế chúng em phải trả giá rất đắt.” Thanh cười nói: “Chẳng hạn em đang nói chuyện với chị đây này, ngồi xa em chẳng nghe thấy gì cả. Làm việc lâu ở môi trường trên không làm em bị… điếc tạm thời. Gần như tụi em đứa nào cũng bị thế”. Thanh còn giải thích rõ hơn những rủi ro trong nghề của mình. Cô cho biết nếu chẳng may bị té ngã trên máy bay do đi không vững sẽ vô cùng rắc rối. Đôi khi ở dưới mặt đất đó chỉ là một chấn thương nhỏ, nhưng ở trên không máu loãng, rất khó cầm, có khi máu chỉ ngưng chảy cho tới khi máy bay tiếp đất. Nguy cơ đe dọa tính mạng tiếp viên hàng không lúc nào cũng trùng trùng. Máy bay bay vào vùng thời tiết xấu, bị sóc, hẫng, dù đã được tập luyện rất kỹ nhưng không tiếp viên hàng không nào dám chắc chắn 100% mình không bị va đập, bị ngã. Nếu bị ngã thì chấn thương, chảy máu là chuyện khó tránh khỏi. “Với những chuyến bay dài, nhiều tiếng đồng hồ mà bị chảy máu thì coi như…xui, mất mạng như chơi.” – Thanh nói. Thanh kể có tiếp viên mới vào nghề, khi biểu diễn demo (đứng giữa máy bay làm các động tác hướng dẫn thoát hiểm cho hành khách) lúc máy bay cất cánh, đi giày cao gót, đứng không vững bị ngã dúi dụi. Thanh cho biết thêm, khi mới đi làm, lúc ký hợp đồng, cô cũng như nhiều nữ đồng nghiệp khác phải cam kết không được sinh con trong vòng 3 năm. Tội nhất là mấy chị tiếp viên mới sinh phải bay chuyến xa lòng cứ nóng như lửa đốt vì nhớ con. Tuy nhiên, tất cả những ai đã chọn nghề này đều hiểu và chấp nhận. Thanh Huyền |
Theo N.Anh (VNN)