Chiến dịch kiềm chế Iran của Mỹ đã đạt được thắng lợi ban đầu khi Ngân hàng Trung ương Đức Deutsche Bundesbank ngày 7-8 áp dụng lệnh cấm chuyển tiền sang Iran, vì áp lực của Mỹ.
Ngân hàng Thương mại châu Âu-Iran EIH do Iran sở hữu, hoạt động ở TP Hamburg (Đức). Ngân hàng này hiện giữ hơn 400 triệu đô Mỹ và Iran muốn số tiền này được chuyển về nước trước khi Mỹ tái áp đặt vòng trừng phạt thứ hai lên mình.
Vòng trừng phạt đầu tiên Mỹ tái áp đặt ngày 7-8, ba tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, ảnh hưởng lên ngành công nghiệp sản xuất ô tô, giao dịch vàng và các kim loại quý khác nước này. Vòng trừng phạt thứ hai sẽ được tái áp đặt vào ngày 4-11 tới, áp lên các lĩnh vực ngân hàng và dầu mỏ Iran.
Người dân Iran gần khu vực trước kia Mỹ mở đại sứ quán tại Tehran, ngày 7-8. Ảnh: AFP
Với lệnh cấm của Ngân hàng Trung ương Đức Deutsche Bundesbank, Ngân hàng EIH sẽ không thể chuyển khoản 400 triệu đô Mỹ về Iran. Đây là một đòn đau với Iran khi nước này rất cần ngoại tệ đặc biệt đô Mỹ. Đại sứ quán Mỹ tại Đức hoan nghênh quyết định của phía Đức.
Trước khi có thỏa thuận hạt nhân Iran, Ngân hàng EIH bị Mỹ và cả Liên minh châu Âu trừng phạt vì hỗ trợ các chương trình hạt nhân và tên lửa Iran. Trừng phạt được dỡ bỏ sau khi thỏa thuận được ký giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc).
Ngoài bước đi này, ngày 6-8, chính phủ Đức vẫn tuyên bố ủng hộ các công ty Đức làm ăn ở Iran: “Bộ Các vấn đề kinh tế vẫn đảm bảo các vấn đề xuất khẩu và đầu tư cho các công ty muốn hoạt động ở Iran”.
Vì áp lực từ Mỹ, chính phủ Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) ra tay phong tỏa khoản 400 triệu đô Mỹ chuyển về cho chính phủ Tổng thống Iran Hassan Rouhani(trái). Ảnh: REUTERS
Dù có sự đảm bảo của chính phủ nhưng nhiều tập đoàn, công ty Đức tỏ rõ sự bất an. Ngày 7-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa trên Twitter rằng “các nước nào muốn làm ăn với Iran thì sẽ không được làm ăn với Mỹ”.
Tập đoàn sản xuất ô tô Mercedes-Benz ngày 7-8 thông báo đã ngưng mọi hoạt động kinh doanh ở Iran liên quan các lệnh trừng phạt. Tập đoàn sản xuất hàng thể thao Adidas cũng nối gót đối thủ cạnh tranh Mỹ là Nike rút hoạt động kinh doanh khỏi Iran. Truyền thông Iran nói Adidas rút khỏi thị trường Iran vì sợ hoạt động kinh doanh của mình ở Mỹ bị ảnh hưởng.