Anh-Pháp-Đức đề xuất trừng phạt Iran, xoa dịu Mỹ

Ngày 16-3, ba nước Anh, Pháp, Đức cùng ra một tuyên bố chung, đề xuất Liên minh châu Âu (EU) ra lệnh trừng phạt mới với Iran quanh chương trình tên lửa nước này cũng như vai trò của Iran trong chiến tranh Syria, theo một tài liệu mật mà Reuters thu được. Đáng chú ý, mục đích của bước trừng phạt này lại là nhằm thuyết phục Mỹ giữ lại thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran năm 2015.

Theo tài liệu Reuters thu thập được, tuyên bố cáo buộc Iran cung cấp tên lửa và chuyển giao công nghệ tên lửa cho Syria và các đồng minh của Iran như nhóm nổi dậy Houthi ở Yemen và nhóm Hezbollah ở Lebanon. 3 nước đề xuất trừng phạt cấm đi lại và phong tỏa tài sản, cấm làm ăn và giao dịch với EU.

“Trong những ngày tới chúng tôi sẽ thông báo danh sách các cá nhân và công ty mà chúng tôi cho là cần bị trừng phạt vì vai trò của họ” – Reuters trích tài liệu thu thập được. Lời lẽ trong tài liệu muốn nói đến các vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran và vai trò của Iran trong việc ủng hộ chính phủ Syria trong bảy năm nội chiến.

Tên lửa và ảnh Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali được trưng bày tại Quảng trường Baharestan ở thủ đô Tehran (Iran) tháng 9-2017. Ảnh REUTERS

Tên lửa và ảnh lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali được trưng bày tại Quảng trường Baharestan ở thủ đô Tehran (Iran) tháng 9-2017. Ảnh REUTERS

Tuyên bố chung cho biết 3 nước “gắn kết đối thoại với chính phủ Trump nhằm đạt được một sự tái đảm bảo rõ ràng và lâu dài ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran từ Mỹ trước ngày 12-5”.

Đề xuất trừng phạt Iran để xoa dịu Mỹ

Đề xuất trừng phạt này là kết quả nhiều tuần đối thoại giữa các nước châu Âu và Bộ Ngoại giao Mỹ, nhằm xoa dịu chính phủ Trump.

Đề xuất của ba nước đã được gửi tới EU. Theo lời hai quan chức EU nói với Reuters thì đây là một phần chiến lược của EU nhằm cứu thỏa thuận nhạt nhân, kiềm hãm năng lực phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, bằng cách cho Tổng thống Mỹ Donald Trump thấy vẫn có cách kiềm chế sức mạnh của Iran.

Tổng thống Trump trước nay luôn giữ quan điểm phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran không hiệu quả trong việc kiềm chế Iran, khi không bao choàng cả chương trình tên lửa nước này. Theo thỏa thuận được ký giữa Iran và nhóm P5+1, Iran chấp nhận ngưng chương trình hạt nhân để đổi lại được dỡ bỏ phần lớn trừng phạt.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói về thỏa thuận Iran trong một cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 13-3. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói về thỏa thuận Iran trong một cuộc họp tại Nhà Trắng ngày 13-3. Ảnh: REUTERS

Ngày 12-3 vừa qua ông Trump đã gửi tối hậu thư đến các nước châu Âu cùng ký thỏa thuận, yêu cầu phải đồng ý “sửa chữa các lỗi nghiêm trọng trong thỏa thuận hạt nhân Iran”, hoặc ông sẽ khôi phục trừng phạt của Mỹ với Iran.  

Theo điều khoản thỏa thuận, Mỹ phong tỏa có thời hạn trừng phạt Iran trong thời gian thỏa thuận được thực thi. Ngày 12-5 tới là thời hạn ông Trump phải ban hành một lệnh “tạm ngưng” trừng phạt Iran mới, nếu ông Trump từ chối, trừng phạt của Mỹ với Iran sẽ được khôi phục và xem như Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận. Nhiều nhà phân tích lo ngại thỏa thuận hạt nhân Iran có thể sẽ sụp đổ nếu Mỹ rút khỏi.

Các ngoại trưởng EU sẽ bàn về đề xuất trừng phạt Iran của Anh, Pháp, Đức trong cuộc họp kín ngày 20-3 tới tại Bỉ.

Theo Reuters, bước đi này của Anh, Pháp, Đức vượt trên cả mong đợi của Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo một bức điện ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ mà Reuters thu thập được tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ vạch ra một con đường đơn giản hơn để làm hài lòng ông Trump: chỉ cam kết cải thiện thỏa thuận.

Bước đi này cũng thể hiện thái độ thất vọng của châu Âu với Iran.

“Chúng tôi đang cảm thấy khó chịu. Chúng tôi đã đối thoại với họ trong cả 18 tháng mà không có tiến triển gì về chuyện này” – một nhà ngoại giao EU nói với Reuters.

Iran nói gì?

Sau khi có thông tin này, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Aqrachi khuyên châu Âu không nên theo hướng đi của Mỹ về thỏa thuận hạt nhân.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Aqrachi. Ảnh: IRAN FRONT PAGE

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Aqrachi. Ảnh: IRAN FRONT PAGE

“Nếu các nước châu Âu ban hành trừng phạt Iran không liên quan vấn đề hạt nhân nhằm xoa dịu tổng thống Mỹ thì họ đã tính toán sai nghiêm trọng và sẽ chứng kiến ảnh hưởng của nó đến thỏa thuận cũng như tiến trình tiếp diễn của nó. Các nước châu Âu nên thúc Mỹ thực hiện nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận. Mỹ và các bên không có cách nào giữ lại thỏa thuận mà không thực hiện bổn phận của mình” - ông Aqrachi nói trước khi rời Áo trở về Iran, sau khi dự cuộc họp thứ 11 của Ủy ban Thỏa thuận hạt nhân Iran ở đây.

Tại Áo ngày 16-3, Ủy ban giám sát thỏa thuận hạt nhân Iran khẳng định Iran tuân thủ đúng bổn phận mình trong thỏa thuận.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 16-3 không bình luận khả năng EU sẽ trừng phạt Iran nhưng kịch liệt lên án Mỹ: “Nếu rút khỏi thỏa thuận, đây chắc chắn sẽ là một sai lầm đau đớn với Mỹ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm