Vì sao các hãng ô tô thường mở đặt cọc xe trước?
Cứ mỗi lần ra mắt xe mới, các hãng ô tô thường có động thái mở đặt cọc xe cho các khách hàng có nhu cầu. Sau đó, một thời gian sau hãng xe mới chính thức giao xe cho khách hàng đã đặt cọc và ưu tiên cho lượng khách hàng này trước tiên.
Nhiều người cũng thắc mắc vì sao các hãng xe thường mở đặt cọc trước khi giao xe?
Trao đổi với PLO, Đại diện một đại lý ô tô ở TP.HCM chia sẻ: “Thông thường các hãng xe khi tung ra một sản phẩm mới đều có động thái “thăm dò” khách hàng. Xem nhu cầu, sở thích của khách hàng ra sao về chiếc xe này bằng cách nhận đặt cọc xe trước”.
Cũng theo vị này thì đây là một cách để hãng xe “tích luỹ” vừa dựa vào nhu cầu của khách hàng để sản xuất lượng xe phù hợp hơn.
Một vị chuyên gia lại cho rằng: “Thực tế các đơn vị sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu ô tô đều có tài chính lớn, khi các khoản đặt cọc xe sẽ lớn với cá nhân chứ với doanh nghiệp thì ít tác động được gì. Nên khi mở các đợt đặt cọc xe không phải nhằm huy động vốn mà là xem xét nhu cầu người dùng ô tô để đưa xe ra thị trường một cách thích hợp nhất”.
Đặt cọc nhưng không mua có được nhận lại tiền cọc?
Thực tế tại thị trường ô tô Việt Nam, nhiều trường hợp khách hàng đã đặt cọc xe trước, tuy nhiên đến thời điểm giao xe các đại lý hoặc nhân viên bán hàng “chèo kéo” bằng việc đẩy giá bán của xe lên, hoặc yêu cầu khách hàng “mua bia kèm lạc”. Tức là để được nhận xe sớm, khách hàng cần mua thêm một số phụ kiện kèm theo xe.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Hiện nay trên thị trường mua bán ô tô, các doanh nghiệp (DN) thường tư vấn cho khách hàng về loại xe, giá cả…ít quan tâm đến quan hệ giao dịch mua bán xe, phải qua các hình thức như thế nào, quyền và nghĩa vụ các bên ra sao. Từ đó, hai bên rất dễ phát sinh tranh chấp sau này, như giá cả thay đổi, hủy mua bán, do xe không đủ giao, giá lên xuống thất thường… Vì vậy chúng ta khi mua xe cần tìm hiểu thêm về nội dung của thỏa thuận mua xe”.
Theo luật sư, quy định tại khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015, đặt cọc là việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Trường hợp DN hay đại lý không đồng ý đưa điều khoản chịu trách nhiệm hay áp dụng mức phạt tiền nếu giao xe trễ hạn thì người mua có thể đàm phán để giữ quyền chủ động cho mình.
“Như nêu ra điều khoản nếu giao xe trễ hạn không bị phạt thì khách hàng cũng có quyền thanh toán chậm trong bao nhiêu ngày không bị phạt. Hay nếu khách hàng không mua do xe giao trễ hạn quá bao nhiêu ngày thì sẽ được trả lại tiền đặt cọc. Hoặc giá vẫn không thay đổi trong suốt thời gian giao xe, thay đổi mua bán xe thì phạt gấp đôi tiền cọc…”- luật sư Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo vị luật sư này, ngoài các điểm trên, trước khi ký hợp đồng mua bán ô tô, người mua nên kiểm tra mọi thông tin, xem kỹ tất cả các câu chữ, điều khoản trong hợp đồng. Chưa rõ thì yêu cầu giải thích và hỏi kỹ, đàm phán lại để đạt được thoả thuận tốt nhất cho cả hai bên. Nếu không thỏa thì nên tìm DN hay đại lý khác mà thỏa thuận mua, tránh rắc rối về sau.
“Qua nội dung trên, nếu trong giao dịch mà chưa có ràng buộc hay thỏa thuận bằng hợp đồng, mà đại lý hay DN thay đổi giá thì tùy theo cam kết thỏa thuận của hai bên mà giải quyết”- luật sư Tuấn cho hay.