Vừa qua vụ việc một xe công nghệ vì tài xế quên kéo hết phanh dẫn đến chiếc xe lao thẳng vào bệnh viện tại Đồng Nai đang được nhiều người quan tâm. Vụ việc tuy không xảy ra thiệt hại về người nhưng hư hỏng một số đồ vật.
Vấn đề pháp lý được đặt ra ở đây là tài xế quên kéo hết phanh là lỗi vô ý, trong trường hợp này tài xế có phải chịu trách nhiệm hay không?
Trao đổi với PLO, Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, (trừ trường hợp có quy định khác). Theo đó, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại không bao gồm yếu tố lỗi.
“Nghĩa là dù chiếc xe tự di chuyển do lỗi của tài xế quên kéo/chưa kéo hết phanh tay khi đỗ xe hay do lỗi kỹ thuật của xe thì vẫn phát sinh trách nhiệm bồi thường trong vụ việc này”- luật sư Mạch cho hay.
Cũng theo luật sư, theo Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
“Tuỳ theo quy định của công ty công nghệ, một số công ty có quy chế hỗ trợ sửa chữa khi có va chạm, tùy theo nguyên nhân (chủ quan, khách quan, hỗn hợp) và tinh thần hợp tác giải quyết của tài xế. Tuy nhiên, đối với sự cố nhỏ (va chạm, xước, móp,...) thì tài xế tự thanh toán. Đối với các sự cố lớn (giữ xe) thì phải có chuyên viên của bộ phận chuyên môn đi cùng để xác nhận chi phí, tài xế thanh toán khoản tiền theo xác nhận của chuyên viên”- luật sư Mạch phân tích.
Luật sư cũng cho biết thêm, vụ tai nạn này không gây thiệt hại về người nhưng làm hư hỏng một số đồ vật của bệnh viện. Do đó, tài xế có trách nhiệm bồi thường các khoản thiệt hại do tài sản bị xâm phạm theo Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm: tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại; các thiệt hại khác (nếu có).
Ngoài ra, hành vi của tài xế trong vụ việc này không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hành chính và hình sự.