CSGT có được quyền truy đuổi người vi phạm giao thông?

(PLO)- Từ vụ CSGT tại huyện Cần Giờ truy đuổi người vi phạm và bị tai nạn, nhiều người thắc mắc rằng CSGT có được truy đuổi như vậy hay không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thông tin ban đầu của vụ việc, sáng ngày 1-5-2024, tổ công tác CSGT thuộc Công an huyện Cần Giờ đang làm nhiệm vụ trên đường Lý Nhơn. Khi tổ công tác phát hiện một nam giới chạy xe máy có dấu hiệu vi phạm nên ra hiệu lệnh dừng xe, tuy nhiên người này không dừng xe mà tăng ga bỏ chạy. Lúc này, một trung úy thuộc tổ công tác đã đuổi theo. Khi đến một đoạn cua gấp, xe của trung úy CSGT va chạm với xe người đi đường.

Vụ tai nạn trên khiến 3 người bị thương phải nhập viện cấp cứu, trong đó có một người là trung úy CSGT huyện Cần Giờ.

csgt
Vụ tai nạn ở Cần Giờ. Ảnh: MXH

Từ vụ việc trên, nhiều người thắc mắc CSGT có được quyền truy đuổi người vi phạm?

Về việc CSGT truy đuổi người vi phạm giao thông.

Trao đổi với PLO, Luật sư (LS) Võ Đan Mạch, Đoàn LS TP.HCM cho biết trước hết, tại Điều 8 Thông tư số 32/2023 của Bộ Công an quy định về quyền hạn của CSGT trong tuần tra, kiểm soát như sau:

“1. Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan. Kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về an toàn vận tải đường bộ.

2. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.

3. Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó theo quy định của Luật Công an nhân dân. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.

4. Được trang bị, sử dụng phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; phương tiện thông tin liên lạc; phương tiện kỹ thuật khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quy định khác của pháp luật có liên quan và của Bộ Công an.

5. Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

6. Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.”

Theo đó, pháp luật hiện hành chưa có điều khoản nào quy định trực tiếp, cụ thể rằng lực lượng CSGT được quyền truy đuổi người vi phạm giao thông khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông.

“Thực tế, việc truy đuổi có thể được xem là “áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội”, nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn cho bản thân CSGT, người vi phạm và những người tham gia giao thông khác, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản. Cạnh đó, trước khi truy đuổi, CSGT cũng cần căn cứ tính chất, mức độ vi phạm của hành vi, mức độ nguy hiểm của đối với những người tham gia giao thông khác để xem xét có cần thiết áp dụng biện pháp truy đuổi hay không”- LS Mạch cho hay.

Về chủ thể chịu trách nhiệm

Theo LS, theo tình tiết vụ việc, trong quá trình truy đuổi người vi phạm, khi đến đoạn cua gấp, xe của trung úy CSGT va chạm với xe người đi đường, khiến CSGT này và 2 người khác bị thương. Theo đó, CSGT là người trực tiếp gây thương tích cho người khác, nên phải chịu các trách nhiệm pháp lý theo quy định.

Về chế tài xử lý

“trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ điều tra, làm rõ việc xảy ra tai nạn là do lỗi vô ý hay cố ý, diễn biến hành vi, bối cảnh xảy ra sự việc,... Tùy theo mức độ của hành vi và tình huống thực tế mà CSGT có thể bị xử lý kỷ luật, phải bồi thường thiệt hại, thậm chí có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”- LS Mạch phân tích.

Một, về chế tài hành chính, theo điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021, người có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Trường hợp vô ý gây thương tích thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng (điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021).

Đồng thời, CSGT này có thể bị xử lý kỷ luật với các hình thức cụ thể như đình chỉ công tác, hạ cấp bậc… và phải bồi thường thiệt hại vì vi phạm quy định khi truy đuổi không đảm bảo an toàn hoặc trong trường hợp không cần thiết.

Hai, về chế tài hình sự, tùy vào yếu tố lỗi, diễn biến hành vi thực tế, mức độ thương tật của nạn nhân,... người CSGT gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội sau:

- Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 - sau đây gọi tắt là “BLHS”), với mức phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS), với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến cao nhất là tù chung thân.

- Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 137 BLHS), với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Ngoài ra còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm