Báo Cambodia Daily ngày 24-11 đã đăng bài viết với đầu đề “Trong thời bình, ngân sách quốc phòng Campuchia tăng cao”.
Hồi tháng 10-2016, khi đến tỉnh Pailin, căn cứ địa ngày trước của Khmer Đỏ, Thủ tướng Hun Sen đã khẳng định trong bài phát biểu đánh dấu 20 năm hòa bình: “Campuchia đang hòa bình. Chúng ta sẽ biến các bãi chiến trường cũ thành thị trường và khu vực phát triển”.
Báo đã nhắc lại sự kiện nêu trên và đặt câu hỏi: Vậy tại sao chính phủ liên tục tăng ngân sách quốc phòng từ 75,7 triệu USD năm 2006 lên đến 464 triệu USD vào năm tới?
Ngày 22-11, dù 40 nghị sĩ đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) không bỏ phiếu, Quốc hội Campuchia vẫn thông qua ngân sách 5,04 tỉ USD trong năm 2017 với 66 nghị sĩ đảng Nhân dân Campuchia (CPP) bỏ phiếu thuận.
Trong đó có 834 triệu USD được chi cho quốc phòng, an ninh và trật tự công cộng, tăng 20,4% so với năm trước. Riêng về quốc phòng, ngân sách chi 464 triệu USD.
Trả lời về vấn đề này, người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Phay Siphan khẳng định: “Chúng tôi không chi nhiều cho vũ khí”. Ông cho biết ngân sách quốc phòng chủ yếu được dùng để chi cho tiền lương, lương hưu và trợ cấp.
Tháng 10-2016, Thủ tướng Hun Sen đến thăm tỉnh Pailin, căn cứ địa cũ của Khmer Đỏ. Ảnh: CAMBODIA DAILY
Theo báo Cambodia Daily, trong những năm 1990, ngân sách cho quân đội và cảnh sát ngốn khoảng 50% ngân sách quốc gia vì lúc đó chính phủ đang đương đầu với bọn Khmer Đỏ.
Sau đó, ngân sách quốc phòng bắt đầu giảm từ cuối những năm 1990. Đến năm 2009, ngân sách quốc phòng tăng trở lại do xung đột biên giới với Thái Lan liên quan đến tranh chấp đền Preah Vihear.
GS Paul Chambers tại ĐH Chiang Mai (Thái Lan) lưu ý: “Năm 2011 là năm cuối căng thẳng với Thái Lan, dù vậy ngân sách dành cho quốc phòng và nội vụ của Campuchia tiếp tục tăng”.
Chuyên gia Carl Thayer ở Học viện Quốc phòng Úc nhận xét sau năm 2009, hoạt động mua sắm vũ khí của Campuchia chủ yếu là xe bọc thép chuyển quân, xe tăng và pháo hạng nhẹ.
Với khí tài như thế, quân đội Campuchia được xây dựng nhằm phù hợp với kiểu chạm trán nhỏ ở biên giới và đối phó với pháo binh Thái Lan trong các trận đánh quy mô nhỏ.
Ngoài ra, lực lượng như vậy cũng có thể được sử dụng để trấn áp bạo động trong nước hoặc để biểu dương lực lượng nhằm củng cố trị an.
Chuyên gia Carl Thayer kết luận với một nước nhỏ như Campuchia thì lẽ đương nhiên phải cố dựa vào một nước lớn như Trung Quốc để hậu thuẫn.
Nhà phân tích Jon Grevatt của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s lưu ý Campuchia mua phần lớn vũ khí từ Trung Quốc và hoạt động này đến nay vẫn tiếp tục. Ông nhận xét: “Lý do Campuchia không dự chi nhiều tiền mua vũ khí vì phần lớn vũ khí đã có Trung Quốc lo”.
Ông giải thích dù thông tin chi tiết chưa đầy đủ nhưng có thể biết Campuchia đã mua vũ khí của Trung Quốc bằng các khoản vay ưu đãi hoặc đây là quà viện trợ bao gồm huấn luyện, hậu cần và hỗ trợ kỹ thuật.
Ngoài ra, với ngân sách quốc phòng thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, Campuchia chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng cũng nhằm bắt kịp các nước khác và nâng cao đời sống quân nhân.
Báo Khmer Times ngày 22-11 đưa tin quân đội Campuchia và Trung Quốc sẽ tham gia cuộc diễn tập chung mang tên “Rồng vàng” trong tám ngày (từ ngày 15 đến 23-12) nhằm củng cố quan hệ quân sự hai nước. Diễn tập được tổ chức tại Học viện Quân sự Thlok Tasek ở tỉnh Kampong Speu với hơn 500 binh sĩ tham gia. Các hạng mục diễn tập gồm khẩn cấp sửa đường, rà phá mìn trên bộ, làm đường, xây đập, cứu nạn nhân lũ lụt và công tác y tế trong thảm họa. Tướng Vương Giáo Thành, tư lệnh quân khu miền Nam, thông báo về cuộc diễn tập sau cuộc gặp với tướng Pol Saroeun của Campuchia hôm 20-11. ________________________________ 464 triệu USD là ngân sách quốc phòng của Campuchia trong năm 2017 so với 379 triệu USD năm 2016, 314 triệu USD năm 2015 và 245 triệu USD năm 2014. ________________________________ Các lực lượng vũ trang bắt buộc phải bảo đảm tuyệt đối không có cách mạng màu tại Campuchia. Quân đội phải bảo vệ chính phủ hợp pháp. Thủ tướng HUN SEN viết trên Facebook |