Vì sao chỉ giảm BHTN cho doanh nghiệp?

Bộ LĐ-TB&XH vừa có dự thảo nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người sử dụng lao động. 

Cụ thể, phương án giảm mức đóng của DN cho người lao động từ 1% lương tháng hiện nay xuống còn 0,5% lương tháng.

Nếu mức thu mới được Quốc hội thông qua, Bộ LĐ-TB&XH tính toán điều này sẽ giúp DN tiết kiệm mỗi năm khoảng 3.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, mức giảm đóng góp trên chỉ áp dụng với người sử dụng lao động, còn người lao động không được giảm. Như vậy, người lao động hằng tháng vẫn phải đóng 1% lương vào quỹ BHTN.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, với mục tiêu giảm chi phí cho DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh nên cần thiết giảm mức đóng vào quỹ BHTN đối với người sử dụng lao động. Việc giảm mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động cũng là hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo điều kiện để bảo vệ vị trí việc làm, phòng tránh thất nghiệp cho người lao động tại DN. 

“Hiện DN Việt Nam phải đóng khoảng 34% quỹ lương cho BHXH, phí công đoàn, đây là mức đóng cao nhất trong khu vực ASEAN. Việc giảm mức đóng BHTN cần được thực hiện sớm để tạo điều kiện cho DN bớt khó khăn” - Bộ LĐ-TB&XH lý giải.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng cần phải giảm mức đóng cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Ảnh: VIẾT LONG

Liên quan đến việc không giảm mức đóng của người lao động (chỉ giảm cho DN), Bộ LĐ-TB&XH cho rằng chính sách BHTN mới thực hiện tám năm, các nghiên cứu, dự báo chưa nhiều. Do đó, để đảm bảo an toàn quỹ BHTN thì việc giảm mức đóng chỉ nên áp dụng với người sử dụng lao động, theo lộ trình nhất định.

"Sau đó sẽ tiếp tục đánh giá, nghiên cứu để có thể áp dụng được với người lao động. Ngoài ra, việc giảm mức đóng với DN là thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, nên chưa xem xét tới giảm mức đóng cho người lao động..." - lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH lý giải.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết trong cuộc họp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đơn vị đã yêu Bộ LĐ-TB&XH phải giảm cho cả người lao động và người sử dụng lao động, nếu chỉ giảm cho người sử dụng lao động thì không công bằng. Vì hiện nay không chỉ các DN gặp khó mà người lao động cũng đang gặp khó khăn.

"Bộ LĐ-TB&XH cũng từng đưa ra lý do việc đóng BHTN chỉ người lao động hưởng lợi nhưng quan điểm này chưa đúng. Từ khi có đóng BHTN, người sử dụng lao động được hưởng nhiều, vì khi tham gia quỹ này người sử dụng lao động không phải trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Nên giảm thì cần có sự bình đẳng, nếu không sẽ gặp sự phản ứng của người lao động..." - ông Quảng khẳng định.

Đồng quan điểm, theo đại diện Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích giữa DN, người lao động và Nhà nước trong việc đóng BHTN. Đồng thời, đề nghị cơ quan Bộ tổng kết, đánh giá thi hành pháp luật về BHTN một cách toàn diện, tổng thể về thu, chi BHTN, trên cơ sở đó giảm tỉ lệ đóng BHTN 0,5% đối với người lao động.

 Giảm đóng BHTN vì quỹ kết dư lớn

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết giảm mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động từ 1% xuống 0,5% cho đến hết năm 2019. Nguyên nhân là do kết dư quỹ BHTN cao, tính đến cuối năm 2015 là 49.180 tỉ đồng và dự báo đến năm 2020, quỹ BHTN vẫn đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, năm 2016, tổng thu BHTN là 11.728 tỉ đồng, trong khi đó chi các chế độ BHTN chỉ 5.171 tỉ đồng. Nếu giảm mức đóng BHTN trên trong các năm tiếp theo tổng chi sẽ dần tiệm cận với tổng thu BHTN.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm