Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người sử dụng lao động từ 1% xuống 0,5%, đến hết năm 2019. Đồng thời, giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đề xuất mức đóng BHTN giai đoạn từ năm 2020 trở đi.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết đề xuất trên do kết dư Quỹ BHTN cao, tính đến cuối năm 2015 là 49.180 tỉ đồng, dự báo đến năm 2020, Quỹ BHTN vẫn đảm bảo an toàn. Đặc biệt, năm 2016 tổng thu BHTN là 11.728 tỉ đồng, trong khi đó chi các chế độ BHTN chỉ 5.171 tỉ đồng. Nếu giảm mức đóng BHTN trên trong các năm tiếp theo tổng chi sẽ dần tiệm cận với tổng thu bảo hiểm thất nghiệp.
Việc giảm mức đóng quỹ BHTN đối với người sử dụng lao động nhằm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Ảnh: VIẾT LONG
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH, cũng đưa ra hai phương án giảm đóng quỹ BHTN. Cụ thể, một là giảm mức đóng BHTN từ mức 1% xuống mức 0,5% đối với người sử dụng lao động. Hai là giảm mức đóng BHTN từ mức 1% xuống mức 0,5% đối với người sử dụng lao động nhưng trong một giai đoạn nhất định.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH chọn phương án hai. Nguyên nhân, việc giảm mức đóng BHTN từ mức 1% xuống mức 0,5% đối với người sử dụng lao động trong điều kiện không có sự hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước thì tổng số tiền thu vào Quỹ BHTN trong năm sẽ giảm đi 25% so với khi giữ nguyên mức đóng, do vậy tổng chi BHTN chắc chắn sẽ chiếm tỉ mệ cao so với tổng thu hằng năm. Nếu có biến động lớn về kinh tế, xã hội thì quỹ sẽ không đủ khả năng để chi trả cho người lao động.
“Thêm vào đó, nếu giảm hẳn mức đóng BHTN thì việc tăng mức đóng BHTN sau đó sẽ rất khó thực hiện do sẽ gặp phải các phản ứng từ người sử dụng lao động. Nếu chỉ giảm mức đóng bảo hiểm tại một giai đoạn nhất định, bên cạnh đó tiếp tục nghiên cứu để đề xuất về mức đóng BHTN trong giai đoạn tiếp theo sẽ đảm bảo sự an toàn của quỹ BHTN trong dài hạn cũng như có những hỗ trợ kịp thời đối với người lao động và người sử dụng lao động…” - lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH phân tích.