Giảm mức đóng bảo hiểm: Một mũi tên, hai mục đích

Việc Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo Chính phủ về đề xuất giảm tỉ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp là một thông tin đáng mừng đối với doanh nghiệp (DN) và người lao động. Theo đó, mức đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp giảm từ 2% xuống còn 1,5%; quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp giảm từ 1% xuống còn 0,5%.

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định người sử dụng lao động phải trích 18% quỹ tiền lương để đóng BHXH cho người lao động. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải trích 2% đóng quỹ công đoàn và một số quỹ khác nên số tiền thực tế phải đóng hằng tháng lên tới 22%. Người lao động cũng phải đóng 10,5%.

Người lao động sẽ hưởng nhiều phúc lợi hơn khi DN được giảm phí đóng BHXH. Ảnh: HTD

Có lẽ vì số tiền phải đóng các quỹ BHXH cao nên trong thực tế đã có DN lách đóng quỹ BHXH bằng cách biến lương thành phụ cấp, trợ cấp. Điều này gây thất thoát cho BHXH.

để đáp ứng phần nào mức sống tối thiểu cho người lao động, Nhà nước và đại diện cộng đồng DN hằng năm đều họp để thống nhất nâng mức lương tối thiểu vùng. Nhưng những khảo sát, điều tra gần đây cho thấy mức lương này vẫn chỉ mới đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tối thiểu của người lao động. Thế nhưng mỗi lần bàn chuyện nâng lương lại là một lần đau đầu bởi DN đang nặng gánh với chi phí sản xuất, lãi vay, thuế, quỹ… Nếu mức chi quá cao, đến một lúc nào đó không thể kham nổi, các DN chỉ còn cách thu hẹp sản xuất, giảm lương, giảm nhân công… Khi ấy, người lao động sẽ là đối tượng phải lãnh hậu quả đầu tiên và tạo áp lực cho xã hội.

Đề xuất nói trên của Bộ LĐ-TB&XH thật sự là một mũi tên trúng hai đích, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Số tiền được miễn giảm có thể được sử dụng để đầu tư sản xuất hoặc tăng cường chăm lo phúc lợi.

Mặt khác, cách công bố các thông tin thu-chi của Bộ LĐ-TB&XH khá minh bạch: Năm 2015, mức chi từ quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chỉ khoảng 8%; số kết dư quỹ khoảng 26.000 tỉ đồng, bằng gần 60 lần số chi quỹ. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư gần 49.000 tỉ đồng, tăng hơn 7.400 tỉ đồng, tương ứng tăng 17,9% so với năm 2014.

Lâu nay xã hội vẫn nghe than phiền không ngớt về nguy cơ thâm thủng quỹ BHXH thì nay thông tin cụ thể rõ ràng như trên thể hiện thái độ ứng xử fair-play của cơ quan quản lý đối với DN, người lao động. Đó là sự thấu hiểu khó khăn và chia sẻ kịp thời đối với các thành phần lao động, sản xuất tạo nguồn thu cho xã hội, đồng thời thể hiện tư duy quản lý công bằng, rạch ròi.

Kết dư thì phải giảm

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo thực hiện “ba đồng hành, năm hỗ trợ” đối với DN. Nhiều DN cho rằng tỉ lệ đóng các khoản bảo hiểm cao, vì vậy Bộ LĐ-TB&XH đã đánh giá tỉ lệ đóng, hưởng quỹ BHXH. Trên cơ sở đó, Bộ đề xuất giảm mức đóng đối với các quỹ BHXH ngắn hạn như bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp. Nếu được áp dụng, số tiền được giảm sẽ là khoản hỗ trợ cần thiết cho cộng đồng DN trong điều kiện áp lực về nguồn chi lương nhân công, sản xuất và cạnh tranh môi trường trong và ngoài nước ngày càng gia tăng. Trước mắt sẽ thực hiện việc giảm trong khoảng hai đến ba năm, sau đó tiếp tục theo dõi để điều chỉnh mức đóng hợp lý. Ở các nước cũng vậy, nếu số quỹ kết dư nhiều thì phải giảm tỉ lệ đóng xuống; trường hợp quỹ chi nhiều thì họ tăng tỉ lệ đóng lên, đó là việc làm bình thường của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông PHẠM MINH HUÂN, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

Bớt được gánh lo

Đây là tin vui không chỉ với DN mà với người lao động. Hiện ba nhà máy của công ty đặt tại ba tỉnh, thành gồm Tây Ninh, Tiền Giang và TP.HCM, sử dụng 20.000 công nhân lao động trực tiếp. Quỹ lương hằng tháng là 120 tỉ đồng, nếu căn cứ theo tỉ lệ giảm mức đóng hai loại quỹ bảo hiểm nói trên thì sẽ giúp công ty và người lao động tiết kiệm được hàng tỉ đồng mỗi tháng. Chúng tôi sẽ hạch toán chi phí để chăm lo tại chỗ tốt hơn cho người lao động.

Việc công bố minh bạch số tiền kết dư hai loại quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp là điều kiện tốt để người lao động và DN giám sát, nắm được số tiền mình đã tham gia được chi dùng như thế nào, có hợp lý hay không.

Ông VÕ VĂN HÙNG, Chủ tịch công đoàn
Công ty TNHH Hansae Việt Nam, KCN Tây Bắc-Củ Chi

VIẾT LONG - PHONG ĐIỀN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm