Mỗi năm nước ta xảy ra rất nhiều vụ con người bị chó tấn công, thậm chí có những vụ bị chó cắn rất thương tâm. Trong số đó đa số đối tượng bị chó cắn chủ yếu là trẻ em.
Mới đây nhất, tại thị trấn Lương Bằng (Kim Động, Hưng Yên) xảy ra một vụ bé trai tên T (khoảng 7 tuổi) khi đi ngang qua khu vực sân vận động Kim Động cũ đã bị một đàn chó tấn công. Sau đó, cháu bé đã tử vong do vết thương quá nặng.
Câu hỏi đặt ra là tại sao hiện nay phần lớn những vụ bị chó tấn công mà đối tượng chủ yếu là trẻ em.
Vì sao chó hay cắn trẻ?
Trao đổi với PLO, anh Nguyễn Danh Quang, Huấn luyện viên chó (Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ Tokio, Gò Vấp TP.HCM), cho biết, chó là loài động vật có tập tính bảo vệ những thứ thuộc sở hữu của nó (thức ăn, nước uống, chó con), bảo vệ chỗ nghỉ của mình và bảo vệ chủ, tài sản của chủ. Qua quá trình huấn luyện, anh nhận thấy có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ là đối tượng tấn công của chó. Các nguyên nhân có thể kể đến như:
- Chó bị sợ hãi vì đứa trẻ vừa có hành động nào đó (ôm ghì lấy nó hoặc tiếp cận nó quá nhanh).
- Chó và đứa trẻ chơi đùa quá mạnh khiến chó bị phấn khích. Chó coi đứa trẻ như con mồi khi đứa trẻ chạy nhảy, la hét quanh nó.
- Chó không còn kiên nhẫn với những trò nghịch của trẻ, hay trẻ nô đùa với chó khi đang bị thương.
- Đứa trẻ làm chó bị đau hoặc giật mình khi dẫm lên người nó hoặc giật lông, tai, đuôi…
Một chú chó an toàn là một chú chó há mồm thở hồn hển, mặt vui vẻ và vẫy đuôi. Ảnh: DQ
Biểu hiện của chó trước khi cắn
Cũng theo HLV Quang, thông thường, chó có những biểu hiện cảnh báo trước khi cắn, nhưng những biểu hiện tinh tế này bị nhiều người bỏ qua.
Một chú chó có thể tỏ ra rộng lượng với những trò nghịch lặp đi lặp lại của đứa trẻ, nhưng vào một ngày nào đó nó lại cắn đứa trẻ và làm tất cả mọi người đều ngạc nhiên. Do đó, chúng ta nên chú ý quan sát những biểu hiện của chó để phòng khi bị tấn công, điển hình như:
- Chó tự nhiên đứng dậy và di chuyển ra khỏi đứa trẻ, chó quay mặt đi khỏi đứa trẻ.
- Trong mắt của chó xuất hiện những hình bán nguyệt màu trắng.
- Chó ngáp, liếm sườn khi đứa trẻ lại gần chơi.
- Chó đột nhiên cào hoặc tự liếm người nó.
- Chó sắp cắn có thể gầm gừ, nhe nanh, lông gáy dựng, tai hướng về phía trước.
Cạnh đó, anh Quang cũng khuyến cáo, nếu thấy chó có những biểu hiện nêu trên có nghĩa là bạn đã được cảnh báo, chó có thể cắn nếu nó cảm thấy không còn cách nào khác để tự bảo vệ mình. Đồng thời cha mẹ phải luôn giám sát các tương tác giữa trẻ và chó, tránh để trẻ chơi một mình với chó, nhất là chó không phải nhà mình.
Nhiều trường hợp trẻ bị chó dại cắn * Chiều 11-3, BV Hữu Nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp bệnh nhi bị chó cắn rất thương tâm. Bệnh nhi tên là Vũ Đức D (9 tuổi, dân tộc Nùng, thôn Đoàn Kết, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Khi ở nhà 1 mình, trong lúc cháu đi vệ sinh thì, 4 con chó nhà nuôi đã xông vào cắn xé, khiến bé mất toàn bộ da vùng mu, trơ xương mu, dương vật gần như cụt. * Ngày 27-3, BV Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi bị cho cắn rất thương tâm. Bệnh nhi là bé N.T.H.Y, (3 tuổi) bị chó pitbull nhà hàng xóm cắn nhiều vết cắn dài ngắn khác nhau. Mẹ cháu bé kể lại, trong lúc bé Y. đang đi xe đạp trẻ em ở ngoài cổng nhà, bất ngờ con chó nhà hàng xóm nặng hơn 25kg giật đứt xích xông ra. Khi bé xuống xe đạp đi về phía mẹ thì con chó xông vào tấn công. * Hay mới đây ngày 5-4, tại xã Trung Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) xảy ra vụ việc cả gia đình bị chó cắn, trong đó đã có hai người tử vong. Cụ thể, trước đó anh BVT (32 tuổi) bị chó nhà nuôi cắn vào tay, dẫn tới chảy máu. Sau đó, con chó tiếp tục cắn vợ và hai con của anh T. Sau khi bị cắn một thời gian, do không đi tiêm phòng dại nên anh T và con trai đã tử vong sau đó. |