Bé trai 9 tuổi bại não bị chó cắn nát bộ phận sinh dục

Thông tin từ BV Hữu Nghị Việt Đức chiều 11-3 cho biết, BV vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi bị chó cắn rất thương tâm.

Bệnh nhi tên là Vũ Đức D, 9 tuổi, dân tộc Nùng, thôn Đoàn Kết, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. D chỉ nặng vỏn vẹn 12 kg. Đáng thương hơn và bị bại não từ nhỏ.  

Gần chục năm qua, D. hầu như nằm liệt một chỗ, thế giới của bé gói gọn trên chiếc giường nhỏ. Mọi sinh hoạt cá nhân đều dựa vào người khác.

D. hiện đang được theo dõi tại BV Việt Đức. Ảnh: Việt Đức

Mới đây khi ở nhà 1 mình, trong khi đi vệ sinh trong vô thức, 4 con chó nhà nuôi đã xông vào cắn xé, khiến bé mất toàn bộ da vùng mu, trơ xương mu, dương vật gần như cụt.

Chị Phùng Thị Trang, mẹ D. cho biết nhà quá nghèo nên chị phải rời quê xuống Hà Nội làm thuê. Chị đi mới được nửa tháng thì xảy ra cơ sự.

Gia đình chị Trang thuộc diện cận nghèo ở địa phương. Nhà chỉ có mấy sào ruộng, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” cũng không đủ ăn. Bố bé D. sức khỏe yếu nên chị phải đi làm thuê làm mướn để kiếm sống, nuôi 3 đứa con, một bé 4 tuổi, một bé mới 2 tuổi và bé D.

Những vết thương chi chít trên người cậu bé 9 tuổi. ẢNH: Việt Đức

Theo TS.BS Nguyễn Việt Hoa - Trưởng Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bé D nhập viện trong tình trạng rất thương tâm. Từ lúc người nhà phát hiện bé bị chó cắn đến lúc đưa bé xuống Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã hơn 10 tiếng.

Ngày 6-3, các bác sĩ đã mổ cấp cứu cho bệnh nhi, cắt lọc, tạo hình, che phủ dương vật. Hơn nữa, do vết thương của bệnh nhi nặng, các bác sĩ chưa xác định được bệnh nhi có hay không có tinh hoàn, có thể tinh hoàn của cháu ẩn trong vùng bụng. Hiện các vết thương tương đối ổn định. Bệnh nhi sẽ được tạo hình dương vật về sau, sẽ kiểm tra tinh hoàn có ở trong vùng bụng không và tiếp tục theo dõi, chăm sóc vết thương tránh nhiễm trùng, uốn ván. Sau khi bệnh nhi ổn định sẽ được tiêm phòng dại và tiêm phòng dại cho cả 4 con chó.

Bác sĩ Hoa cảnh báo, thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp chó nhà cắn trẻ nhỏ gây những tổn thương nghiêm trọng. Vì thế, không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo khi chỉ ở một mình.

Nếu gia đình có nuôi chó cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn… Chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm vaccine ngừa bệnh dại định kỳ. Khi bị chó mèo cắn chảy máu cần sơ cứu ban đầu bằng cách sát trùng, rửa sạch vết thương, dùng băng gạc sạch băng bó cầm máu trong trường hợp chảy máu rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm