Theo nhiều chuyên gia, người dân vẫn chưa phân biệt rõ giữa quyết định hành chính với hành vi hành chính, chưa kể khó có chứng cứ chứng minh về hành vi hành chính trái pháp luật để khởi kiện…
TAND TP Huế vừa tuyên bác yêu cầu của bà NTM trong vụ kiện hành vi hành chính của chủ tịch UBND phường An Hòa.
Những vụ kiện hiếm hoi
Nguyên vào năm 2010, bà M. tranh chấp quyền sử dụng đất với người khác. Theo thủ tục, vụ tranh chấp này phải được hòa giải ở phường trước khi kiện ra tòa. Dù bà M. đã yêu cầu nhưng UBND phường An Hòa vẫn không tổ chức hòa giải. Cho rằng vị chủ tịch UBND phường An Hòa tắc trách, không tổ chức hòa giải khiến vụ tranh chấp đất kéo dài, gây thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần nên bà M. đã kiện vị chủ tịch phường ra tòa đòi bồi thường hơn 58 triệu đồng.
Trước khi TAND TP Huế đưa vụ kiện hành vi hành chính này ra xét xử (người có chức trách không thực hiện công việc thuộc nhiệm vụ, chức trách của mình), chủ tịch UBND phường An Hòa đã chủ động mời các bên tranh chấp đất lên hòa giải. Vì thế, TAND TP Huế đã nhận định là người bị kiện đã khắc phục sai sót, từ đó bác các yêu cầu của bà M.
Một vụ kiện hành vi hành chính hiếm hoi khác là vụ ông VVA khởi kiện hành vi không giao đất theo hợp đồng của chủ tịch UBND huyện Nam Trực (Nam Định). Theo đơn khởi kiện của ông A. (được TAND huyện Nam Trực thụ lý cuối tháng 10 vừa qua), năm 2008, UBND huyện tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, ông A. trúng đấu giá một lô diện tích 54 m2 với giá hơn 92 triệu đồng. Sau khi ông đã đóng đủ tiền, tháng 5-2009, UBND huyện ra quyết định giao đất cho ông A. nhưng trên thực tế, ông A. không hề nhận được đất vì người chủ đất nói ông A. chưa trả thêm khoản “lót tay” cho mình.
Ông A. rất ngạc nhiên vì không có thỏa thuận với ai khác ngoài UBND huyện. Lúc này Phòng TN&MT huyện mới giải thích là UBND huyện đã thống nhất với chủ đất rằng mỗi hộ trúng đấu giá phải đưa riêng cho chủ đất 600.000 đồng/m2. Vì thế, theo UBND huyện, ngoài số tiền hơn 92 triệu đồng trúng đấu giá đã nộp vào Kho bạc Nhà nước, ông A. còn phải đưa cho chủ đất hơn 82 triệu đồng nữa. Không đồng ý với cách làm việc thiếu minh bạch nói trên, ông A. đã khởi kiện hành vi không chịu giao đất theo hợp đồng của chủ tịch UBND huyện Nam Trực.
Khó xác định, khó chứng minh
Trên đây là hai trong số rất ít vụ kiện hiếm hoi liên quan đến hành vi hành chính. Theo thống kê của TAND Tối cao, năm 2012, toàn ngành đã thụ lý 5.769 vụ án hành chính, trong đó hầu hết là những vụ kiện về quyết định hành chính, còn kiện hành vi hành chính thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thậm chí có những tòa địa phương cho đến nay vẫn chưa từng thụ lý, giải quyết một vụ kiện hành vi hành chính nào.
Vì sao lại có thực trạng này? Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), người dân ít khởi kiện hành vi hành chính bởi khó xác định được thế nào là hành vi hành chính. Nhiều người còn bị nhầm lẫn giữa hành vi hành chính và quyết định hành chính, thậm chí ngay cả chính các thẩm phán cũng có khi xác định nhầm. Nhiều vụ án hành chính từng bị hủy vì cấp sơ thẩm xác định sai đối tượng khởi kiện.
Khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính quy định hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo Thẩm phán Hùng, với khái niệm này vẫn rất khó phân biệt thế nào là hành vi hành chính của cơ quan nhà nước và hành vi hành chính của người đứng đầu cơ quan nhà nước hay hành vi hành chính mang tính nội bộ trong cơ quan nhà nước để người dân khởi kiện.
Luật sư Trương Xuân Tám (ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Luật sư Việt Nam) bổ sung: Nếu như quyết định hành chính được thể hiện rõ ràng, cụ thể qua hình thức giấy trắng mực đen, có con dấu, có người ký thì hành vi hành chính lại mang tính trừu tượng hơn nhiều. Điều này dẫn đến hệ quả là người dân khó tìm được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện. Chẳng hạn người dân không thể biết trước mà chuẩn bị ghi âm, ghi hình lại hành vi hành chính trái pháp luật, trong khi ra tòa phải chứng minh nó là gì, xảy ra ở đâu, trái quy định như thế nào... Chưa kể, đôi khi những hành vi hành chính đó chỉ là một lời nói miệng của cán bộ nhà nước, không hề được lập thành văn bản... Tất cả rào cản này đã làm cho người dân ngại khởi kiện.
Hiệu quả khởi kiện không cao Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia khác còn cho rằng một nguyên nhân không kém phần quan trọng là hiệu quả của việc khởi kiện không cao nên người dân không mặn mà. Thực tế, hầu hết các vụ kiện hành vi hành chính đều bị tòa bác đơn khởi kiện. Có vụ thì người dân không có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình, có vụ thì người bị kiện đã lo tìm cách “hợp thức hóa” sai sót, khắc phục trước khi tòa xử và tòa dựa vào đó để bác các yêu cầu của người khởi kiện. Còn tâm lý “con kiến kiện củ khoai” Tâm lý e ngại “kiện quan”, “con kiến kiện củ khoai” thật ra vẫn còn nặng nề trong suy nghĩ của nhiều người dân. Thực tế, các sai phạm hành chính xảy ra không ít nhưng đa phần người dân vẫn lựa chọn con đường khiếu nại, số ít đặng chẳng đừng mới khởi kiện ra tòa. Khiếu nại không được thì người dân bỏ luôn hoặc tìm cách này, cách khác giải quyết. Cạnh đó, dù có nguyên tắc độc lập trong xét xử nhưng thực tế cho thấy ít nhiều tòa cũng bị ảnh hưởng bởi chính quyền địa phương nên ít khi yêu cầu khởi kiện, nhất là kiện hành vi hành chính được tòa chấp nhận. Hiệu quả khởi kiện không cao làm người dân mất niềm tin. Luật sư CAO MINH TRIẾT, Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang Khó chứng minh thiệt hại Ở đây là mối quan hệ giữa người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước với công dân, không giống quan hệ trực tiếp giữa hai công dân với nhau. Để được bồi thường, người khởi kiện phải chứng minh có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền với thiệt hại xảy ra. Trên thực tế, việc chứng minh hành vi trái pháp luật của cán bộ đã rất khó rồi, nói chi đến chuyện chứng minh các thiệt hại cụ thể mà hành vi đó gây ra. Luật sư NGUYỄN THẾ PHONG, |
THANH TÙNG