Vì sao hàng ngàn hộ dân lắp nước máy nhưng không sử dụng?

(PLO)- Địa bàn quận Tân Bình và Tân Phú có khoảng 150.000 hộ lắp nước máy nhưng có hơn 10.000 hộ không sử dụng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 16-6, tại quận Tân Phú (TP.HCM) diễn ra buổi lễ ký kết liên tịch giữa UBND Quận Tân Phú và Công ty Cổ phần Cấp nước Tân Hòa, về việc phối hợp tổ chức vận động người dân, doanh nghiệp hạn chế sử dụng nước ngầm, trám, lấp giếng khoan, giảm hóa đơn có chỉ số tiêu thụ 0m3 - 4m3 và các hoạt động an sinh xã hội chăm lo cho người dân trên địa bàn quận Tân Phú.

Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa lấp giếng tại một chung cư thuộc quận Tân phú. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa lấp giếng tại một chung cư thuộc quận Tân phú. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Theo ông Nguyễn Mười, giám đốc công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa, khai thác nước ngầm tràn lan gây sụt lún, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại TP.HCM. Ngoài ra, sử dụng nước ngầm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Trên địa bàn quận Tân Phú còn khoảng 27.000 giếng khoan, nhiều hộ gia đình thường sử dụng song song cả nước máy và nước ngầm, số lượng này khá lớn.

Hiện số lượng khách hàng của công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa là 150.000 bao gồm quận Tân Bình và Tân Phú, số lượng khách hàng không sử dụng nước máy là hơn 10.000 (trong tháng không tiêu thụ), do đó lượng người sử dụng nước ngầm hiện nay là khá lớn.

“Việc sử dụng nước ngầm gây ra nhiều hệ lụy như gây sụt lún, ảnh hưởng sức khỏe. Do đó, công ty hỗ trợ trám lắp giếng cho người dân, người dân nào có nhu cầu trám lắp giếng có thể liên hệ với địa phương để được hỗ trợ”- ông Nguyễn Mười thông tin.

Tại buổi lễ ký kết, ông Nguyễn Quốc Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, kêu gọi mỗi hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp ngưng khai thác sử dụng giếng khoan, cùng sử dụng nguồn nước sạch để bảo vệ nguồn tài nguyên nước, cũng như bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và gia đình.

Ông Bình đề nghị, UBND các phường trên địa bàn quận Tân Phú thực hiện vận động, tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng nước ngầm, đồng thuận sử dụng nước sạch, tiến tới ngưng sử dụng và thực hiện trám, lấp các giếng khoan không còn sử dụng. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.

Sau buổi lễ ký kết đã diễn ra nhiều hoạt động như: trao tặng bồn rửa tay cho trường tiểu học Tân Thới, trao tặng trụ nước uống tại vòi tại trạm y tế phường Tây Thạnh...

Tại buổi lễ ký kết, ông Nguyễn Văn Đắng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, theo ghi nhận, lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn TP.HCM hiện nay đã lên đến hơn 700.000 m3/ngày. Việc khai thác quá mức khiến nguồn nước ngầm đang suy giảm, mực nước ngầm đã xuống thấp nhất là 40m so với mặt đất. Điều này dẫn đến hậu quả là việc sụt lún mặt đất xảy ra ngày càng nhiều do khai thác quá mức lượng nước ngầm trong đất.

“Hiện tại, Sawaco đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 hạn chế tối đa khai thác nước ngầm, đảm bảo cấp nước an toàn liên tục, nâng tổng công suất hệ thống cấp nước từ 2,4 triệu m3/ngày đêm lên 2,9 triệu m3/ngày đêm, tỉ lệ thất thoát nước giảm xuống còn 17,5%" - ông Đắng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm