Thông tin được nêu ra tại tọa đàm "Dịch vụ cung cấp nước sạch tại Việt Nam: Thị trường và các vấn đề chính sách" do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức, ngày 26-4.
Giá nước sinh hoạt ít được điều chỉnh
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS cho biết, hiện giá nước sạch được điều tiết bởi Nhà nước. Cụ thể, Bộ Tài chính quy định khung giá, phương thức tính giá, lợi nhuận định mức trên cả nước, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt giá nước sạch tại địa phương mình nhưng không vượt quá khung giá do Bộ Tài chính quy định.
Như vậy, giá nước ở các địa phương có sự khác nhau do các yếu tố cấu thành giá bán nước sạch như chi phí vật tư, nhân công, sản xuất chung, quản lý doanh nghiệp... không giống nhau.
Trên thực tế, hiện nay, phần lớn doanh nghiệp trong ngành nước cho rằng, mức giá bán lẻ nước, đặc biệt là nước sinh hoạt thấp, thêm vào đó, tại nhiều địa phương, mức giá này thường ít được điều chỉnh. Thậm chí, có những địa phương như Hà Nội không điều chỉnh giá nước trong gần 10 năm qua.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng IPS: Giá bán lẻ nước sinh hoạt đang thấp. Ảnh: MT |
“Đang có một nghịch lý, nếu không điều chỉnh giá nước, doanh nghiệp không đủ chi phí, nhưng nếu giá quá cao thì người dân không tiếp cận được nguồn nước sạch” - Ông Nguyễn Quang Đồng đặt vấn đề và cho rằng, hiện nay vai trò điều tiết, quản lý nhà nước cũng bị phân mảnh, việc quá nhiều đầu mối khiến việc lập dự toán đầu tư mới của các doanh nghiệp trong ngành cũng gặp khó khăn.
Ông Đồng cho rằng, trong tiến trình hướng đến mục tiêu mọi người đều bình đẳng trong tiếp cận nước sạch, Việt Nam đã tiến hành xã hội hóa, kêu gọi tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công thiết yếu này cho xã hội.
Theo TS.Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dù chủ thể thực hiện cung cấp dịch vụ công là Nhà nước, tư nhân hay các thiết kế xã hội dân sự, thì trách nhiệm đảm bảo cung cấp thực hiện dịch vụ là của Nhà nước và 3 nguyên tắc phải tuân thủ để thiết kế thị trường này là: tính liên tục; quyền tiếp cận bình đẳng của mọi người dân và giá cả phù hợp.
Điều này có nghĩa nếu chưa có nước sạch thì Nhà nước phải đảm bảo cho người dân có nước với giá cả phải chăng và không để xảy ra tình trạng mất nước trong quá trình sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên, soi chiếu với các nguyên tắc trên, cả về khả năng tiếp cận lẫn tính bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ nước sạch đều chưa đạt được mục tiêu mong muốn. “Điều đó một phần do tiến trình xã hội hóa, xây dựng thị trường dịch vụ công nước sạch còn nhiều bất cập chồng chéo, chưa thực sự hợp lý, hiệu quả”- Ông Dũng nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, hiện người dân thành thị sử dụng nước sạch lên khoảng 92%, người dân nông thôn có nước hợp vệ sinh vào khoảng 80%, còn đối với nguồn nước sạch con số này chỉ đạt khoảng 51%.
Như vậy, nguy cơ người dân “lỡ hẹn” với mục tiêu năm 2025 về tiếp cận nước sạch là hiện hữu, nhất là vấn đề nước sạch nông thôn. Ngoài ra, các vấn đề sử dụng nước lãng phí hay nguy cơ ô nhiễm trầm trọng; cơ chế giá cũng đang có nhiều bất cập trong khi chưa xây dựng được lộ trình tăng giá nước; khoa học công nghệ đầu tư của ngành nước cũng đang lạc hậu so với thế giới đặt ra những thách thức cho ngành này.
Người dân Bến Tre từng phải mua nước sạch với giá cao gấp 5 lần. Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Ông Nguyễn Quang Đồng nhận định, tiến trình xã hội hóa dịch vụ công nước sạch đã không đi kèm với việc xây dựng một cấu trúc thị trường cung cấp dịch vụ nước sạch hợp lý. Ông cho biết doanh nghiệp tư nhân gặp rủi ro cao khi tham gia thị trường, ví dụ như giá, khối lượng nước được mua dưới công suất.
Doanh nghiệp nhà nước cũng khó khăn khi giá nước thấp, không đủ khả năng mở rộng diện tích cấp nước. Tình trạng "tranh tối, tranh sáng" khiến thị trường khó phát triển, tạo ra rủi ro các nhóm trục lợi chính sách cạnh tranh không lành mạnh.
Cần hệ thống chính sách minh bạch về nước sạch
Từ đó, ông Đồng đặt ra những vấn đề lớn về chính sách cần giải quyết bao gồm: Nhà nước chịu trách nhiệm chính trong cung cấp dịch vụ nước sạch như thế nào? Cấu trúc thị trường phân định tư nhân tham gia khâu nào? Cơ chế thu hút hợp tác công tư cho đầu tư từ tư nhân đối với mạng lưới cấp nước/thoát nước thải sinh hoạt là gì? Ngoài ra là các vấn đề về cơ chế giá và lợi nhuận cho ngành, vấn đề quy hoạch và điều phối liên vùng, cơ quan điều tiết thị trường.
Bên cạnh đó, ông Đồng khuyến nghị cần có đánh giá toàn diện và thiết kế một hệ thống chính sách tổng thể để hoàn chỉnh thị trường kinh doanh nước sạch. Tiến trình này nên gắn liền với việc xây dựng Luật về cấp nước và xử lý nước mà Chính phủ đã yêu cầu và Bộ Xây dựng đang triển khai.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng thị trường dịch vụ nước sạch còn nhiều vấn đề chưa hoàn chỉnh, từ khâu tổ chức đến khâu điều tiết, vận hành thị trường.
Ông Cung đề xuất nên có một luật riêng cho thị trường nước, điều chỉnh không chỉ vấn đề cấp nước mà cả vấn đề xử lý nước sinh hoạt. "Tương tự như ngành điện có Luật Điện lực, cần có một văn bản ở cấp độ luật để tạo lập khuôn khổ thống nhất, minh bạch cho thị trường nước sạch"- TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân nêu quan điểm, để tư nhân tham gia hiệu quả thị trường này, các khuôn khổ, quy định cho thị trường cần được hoàn thiện thêm. Một văn bản luật như khuyến nghị của ông Nguyễn Đình Cung là cần thiết và Chính phủ nên sớm đề xuất để Quốc hội xem xét.