Vì sao lương hưu của lao động nam thấp hơn nữ?

(PLO)- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam lo lắng việc lương hưu lao động nam thấp và bỏ quy định mức lương hưu thấp nhất có thể dẫn đến “xu hướng nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai.

Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm, nhưng tỉ lệ hưởng lương hưu tối thiểu của lao động nam khác nữ.

Theo đại diện người lao động (NLĐ), quy định chênh lệch như trên có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hoá” của một bộ phận người nghỉ hưu.

Tại sao có sự chênh lệch lương hưu

Theo dự luật, mức hưởng của lao động nghỉ hưu trong điều kiện bình thường bằng 45% bình quân tiền lương tính đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm của lao động nam và 15 năm với lao động nữ. Sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm được hưởng thêm 2%.

Lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng tỉ lệ tối thiểu 33,75% và cần đóng 35 năm để hưởng lương hưu tối đa 75%. Nam đóng đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mức hưởng được tính thêm 2,25% mỗi năm. Lao động nữ tham gia 15 năm hưởng lương hưu tối thiểu 45% và cần đóng 30 năm để đạt mức tối đa 75%.

Như vậy, cùng lấy mốc 15 năm đóng BHXH tối thiểu nhưng tỉ lệ tích lũy lương hưu lao động nam thấp hơn nữ 11,25%.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng việc giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để người tham gia được hưởng lương hưu nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, là phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển.

Thêm vào đó, quy định trên cũng tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng ngắn hơn so với quy định hiện nay được hưởng lương hưu thay vì rút BHXH một lần.

Dù đóng BHXH 15 năm nhưng mức lương hưu lao động nam thấp hơn nữ. Ảnh: V.LONG

Về việc mức lương hưu lao động nam thấp hơn nữ, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết do cách tính mức lương hưu hàng tháng dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp NLĐ nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp, trong đó lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%.

Cạnh đó, dự luật đã bỏ quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất. Đây là điều mà nhiều NLĐ đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai.

Vì vậy, đại diện NLĐ đề nghị cần xem xét giữ lại quy định về mức lương hưu hàng tháng thấp nhất như Luật BHXH năm 2014, hoặc có phương án để cách tính lương hưu có tính chia sẻ nhằm hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp để các đối tượng này đảm bảo cuộc sống.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu không trừ % hoặc tối đa chỉ trừ 1% cho mỗi năm nghỉ trước tuổi đối với lao động nam đã có 35 năm đóng BHXH, lao động nữ đã có 30 năm đóng BHXH hoặc có phương án cho phép NLĐ hoán đổi số năm đã đóng BHXH vượt trong trường hợp về hưu trước tuổi. Bởi lẽ quy định trừ 2% đối với người nghỉ hưu trước tuổi như dự luật chưa phù hợp.

Vì sao nam, nữ lại chênh lệch mức hưởng lương hưu

Đại diện cơ quan soạn thảo, cho biết tỉ lệ hưởng BHXH của nam và nữ kế thừa toàn bộ quy định hiện hành, không đặt nặng vấn đề thay đổi công thức hưởng.

Cụ thể, Luật BHXH năm 2006 từng quy định thời gian đóng tối thiểu là 15 năm áp dụng cho cả nam lẫn nữ để hưởng 45%. Luật BHXH sửa đổi năm 2014 điều chỉnh nâng dần thời gian đóng tối thiểu của nam lên 20 năm và nữ giữ nguyên 15 năm để hưởng mức trên.

Về việc giảm năm đóng BHXH từ 20 xuống còn 15 năm dẫn đến lương hưu sẽ thấp, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng với quy định trên dù mức lương hưu của những người này có thể khiêm tốn hơn người có thời gian đóng dài, song họ được nhận khoản lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh. Trong thời gian hưởng lương hưu họ còn được hưởng BHYT, góp phần đảm bảo cuộc sống tốt hơn khi về già.

Về mức lương hưu thấp nhất, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết từ ngày 1-7 tới đây, Nhà nước thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong doanh nghiệp.

Theo đó, lương khu vực Nhà nước sẽ không còn mức lương cơ sở. Nên việc quy định mức lương hưu thấp nhất như hiện nay không còn phù hợp…

Cạnh đó, dự luật đang xây dựng chính sách BHXH đa tầng, theo thông lệ các quốc gia xây dựng và triển khai hệ thống hưu trí đa tầng, tầng thấp nhất của hệ thống đa tầng (tầng hưu trí xã hội) chính là mức lương hưu thấp nhất...

Hiện dự thảo Luật BHXH đang quy định NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ 15 năm tham gia BHXH và không nhận BHXH một lần sẽ được nhận trợ cấp hưu trí xã hội. Mức hưởng tuỳ thuộc vào thời gian đóng, nhưng thấp nhất dự kiến khoảng 500.000 đồng/tháng.

Như vậy, lương hưu thấp nhất tới đây có thể hiểu là mức khoảng 500.000 đồng/tháng.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết sở dĩ Luật BHXH hiện hành quy định lao động nam đóng BHXH 20 năm và nữ 15 năm được hưởng mức lương hưu 45% là để phù hợp với tuổi nghỉ hưu nữ 55 và nam 60 theo Bộ luật Lao động cũ.

“Theo đó, lao động nữ nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với nam giới, thời gian tham gia hệ thống ngắn hơn nên số năm đóng BHXH tối thiểu cũng được điều chỉnh thấp hơn tương ứng, sao cho nữ nghỉ hưu ở tuổi 55 sẽ đạt mức hưởng tối đa 75% với 30 năm tham gia, còn lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 60 sẽ đóng 35 năm. Nên nếu giảm năm đóng nhưng giữ nguyên cách tính cũ thì tỉ lệ lương hưu của nam và nữ có sự chênh lệch” - ông Huân lý giải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới