Vì sao người trẻ ‘quen chóng vánh, yêu chớp nhoáng, ly hôn dễ dàng’?

(PLO)-  Sống vội, yêu vội, đến với nhau dễ dàng, thiếu sự tìm hiểu, gắn kết… khiến nhiều người dễ rơi vào khủng hoảng sau khi kết hôn và dễ dàng nói lời chia tay.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mạnh năm nay 24 tuổi, quê Đà Nẵng, còn Hương mới 21, ở TP Hội An (Quảng Nam). Sau thời gian ngắn quen nhau qua mạng xã hội, hai người gặp nhau và nhanh chóng quyết định kết hôn. Do kinh tế hai bên gia đình đều khó khăn nên họ thuê trọ ở riêng để đi làm công nhân.

Tài chính chưa ổn định, tính ham chơi của Mạnh, cộng với việc không lường trước được những khó khăn khi bước vào hôn nhân nên cả hai thường xuyên mâu thuẫn. Hai đứa nhỏ lần lượt chào đời càng khiến kinh tế gia đình thêm khó khăn. Đôi vợ chồng trẻ quyết định ly hôn khi bất đồng lên tới đỉnh điểm.

“Tôi nhớ mãi buổi chiều gặp đôi vợ chồng trẻ ấy. Anh chồng dắt tay bé lớn, còn vợ bồng đứa nhỏ lên trung tâm hòa giải. Thương hai đứa trẻ nheo nhóc nên tôi lì xì cho mỗi bé vài đồng để mua sữa. Trường hợp này đến với nhau vội vàng, không có thời gian tìm hiểu, thậm chí gia đình hai bên không có nhiều kết nối. Kinh nghiệm sống, sự cảm thông, chia sẻ giữa hai vợ chồng gần như là không có. May mắn là sau khi nghe phân tích thì cả hai đều nhận ra mình sai ở đâu và quyết định đoàn tụ để cho con một mái ấm tròn vẹn”- một hòa giải viên của TAND quận Sơn Trà chia sẻ.

Theo vị này, số vụ ly hôn có xu hướng tăng sau hai năm dịch bệnh. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những áp lực về kinh tế, dịch bệnh không có thu nhập, chồng mải chơi, vô tâm, cờ bạc… dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã. Một số thì do áp lực về tinh thần, ngoại tình, bạo lực gia đình, dùng mạng xã hội quá nhiều dẫn đến vợ chồng ít trò chuyện, chia sẻ... Đặc biệt nhiều cặp đôi ly hôn còn rất trẻ và phần lớn người viết đơn là phụ nữ.

Hòa giải viên Võ Văn Thiết (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết có những cặp vợ chồng trẻ kết hôn chưa bao lâu đã đưa nhau ra tòa, giấy kết hôn vẫn thơm mùi mực. Có vụ thì do những mâu thuẫn lặt vặt trong cuộc sống hàng ngày tích tụ, khi ra tòa vẫn còn trách móc, dằn vặt nhau. Có người sau khi nghe hòa giải viên phân tích, khuyên nhủ thì bật khóc, đồng ý rút đơn nhưng tháng sau lại thấy nộp lại.

Hòa giải viên Võ Văn Thiết chia sẻ về nguyên nhân ly hôn của người trẻ hiện nay. Ảnh: T.AN

Hòa giải viên Võ Văn Thiết chia sẻ về nguyên nhân ly hôn của người trẻ hiện nay. Ảnh: T.AN

Theo ông Thiết, những người trẻ kết hôn sớm dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng sau hôn nhân. Nhiều đôi đến với nhau dễ dàng nên thiếu sự gắn kết, thiếu sự đồng cảm, chia sẻ. Khi yêu thì mơ mộng, không hình dung được những phức tạp của cuộc sống hôn nhân, khi có con thì phải nuôi dạy như thế nào.

Một số ông chồng sau cưới thì dần vô tâm, không còn lãng mạn được như hồi yêu nhau, mải chơi, khiến cho vợ cảm thấy bị bỏ rơi, tủi thân, thiệt thòi. Vì thiếu chia sẻ nên tình cảm vợ chồng cứ thế nhạt dần, nhất là khi có con. Có ông chồng thì quá trẻ con, vợ bầu nhưng vẫn đi chơi thâu đêm suốt sáng nên nảy sinh ghen tuông, tranh cãi, đánh đập nhau.

“Nhiều người trẻ hiện nay có suy nghĩ khá thoải mái, không sống được với nhau thì chia tay. Kể cả phụ huynh bây giờ cũng nhận thức thoáng, thấy con chịu khổ là có khi “động viên” con bỏ chồng”- ông Thiết nói.

Một thẩm phán ở Đà Nẵng cho hay, trong các vụ án mà người phạm tội chưa thành niên, rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh gia đình khiếm khuyết, hoặc ở với cha hoặc ở với mẹ, hoặc ở với ông bà nội, ngoại. Có vụ án hình sự 11 bị cáo thì tới 5 trường hợp cha mẹ ly hôn.

“Ly hôn là chuyện của người lớn nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của con trẻ. Nhiều cháu bị mặc cảm vì cha mẹ ly hôn. Ví như mỗi khi tan trường, trong khi bạn bè có cha mẹ đến đón thì các cháu chỉ có cha hoặc mẹ, hoặc bơ vơ một mình. Các cháu bị tổn thương về tình cảm nên xuất hiện tâm lý muốn nổi dậy, rất dễ bị ảnh hưởng bởi cái xấu dẫn đến con đường phạm tội. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng ta, cần nhìn nhận đúng đắn, trang bị kỹ năng, tâm lý sẵn sàng và có trách nhiệm khi bước vào hôn nhân”- vị này nói.

Theo thống kê, năm 2021, TAND TP Đà Nẵng thụ lý và giải quyết 2792/2927 vụ việc hôn nhân và gia đình. Trong đó, số vụ việc ly hôn do mâu thuẫn giữa vợ chồng về các vấn đề trong cuộc sống, về trách nhiệm giữa vợ và chồng, trách nhiệm nuôi dưỡng con chung chiếm 48,4% số vụ việc hôn gia đình sơ thẩm mà TAND hai cấp thụ lý. Độ tuổi từ 18 tuổi đến 30 tuổi chiếm 7,7%.

Về nguyên nhân vẫn còn tình trạng ly hôn do bạo lực gia đình, ảnh hưởng của bia rượu đến hành vi xử sự trong gia đình, tác động xấu của tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy.

Riêng sáu tháng đầu năm 2022, trong tổng số các loại vụ việc thụ lý thì hôn nhân và gia đình vẫn chiếm tỷ lệ cao, thụ lý 1.704/3.647 vụ việc, chiếm 47,23% số án thụ lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm