Ngày mai (19-8), TAND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sẽ xét xử vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Kim Dung và bị đơn là ông Trần Văn Bào.
Đây là một vụ ly hôn khá lạ vì khi tòa đang giải quyết thì phía bị đơn đã yêu cầu thu hồi, hủy giấy chứng nhận (GCN) đăng ký kết hôn nên trước đó TAND TP Buôn Ma Thuột tạm đình chỉ để cho cơ quan khác giải quyết theo thẩm quyền. Nay khi GCN đăng ký kết hôn đã bị hủy, vụ án ly hôn tiếp tục được đưa ra xét xử.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ ảnh chụp tại lễ cưới của hai vợ chồng bà với phóng viên. Ảnh: HỮU ĐĂNG |
PV Pháp Luật TP.HCM liên hệ với ông Trần Văn Bào để tìm hiểu thêm về sự việc. Tuy nhiên, ông Bào từ chối trả lời cũng như cung cấp thông tin, nói muốn hỏi gì thì PV tự liên hệ với tòa án.
Thu hồi giấy đăng ký kết hôn sau 18 năm
Câu chuyện bắt đầu từ cuối năm 1999, bà Dung và ông Bào nảy sinh tình cảm nên tiến tới hôn nhân. Đầu tháng 1-2000, UBND phường Thắng Lợi (TP Buôn Ma Thuột) đã cấp cho vợ chồng bà Dung GCN đăng ký kết hôn số 89. Vợ chồng bà Dung có hai con chung lần lượt sinh năm 2000 và 2002.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2014, do mâu thuẫn tình cảm trở nên trầm trọng, bà Dung đã khởi kiện ly hôn với ông Bào.
Sau nhiều lần hòa giải không thành, cuối năm 2015, ông Bào bất ngờ yêu cầu UBND TP Buôn Ma Thuột thu hồi, hủy bỏ giấy đăng ký kết hôn số 89 vì cho rằng mình không đồng ý kết hôn với bà Dung và không ký vào các giấy đăng ký kết hôn, sổ bộ kết hôn tại UBND phường.
Ngày 13-6-2018, UBND TP Buôn Ma Thuột đã ban hành Quyết định 3260 về việc thu hồi, hủy bỏ GCN kết hôn với lý do việc đăng ký kết hôn đã vi phạm trình tự, thủ tục theo khoản 2 Điều 18 Luật Hộ tịch, Điều 25 Nghị định 83/1998.
Không đồng ý, bà Dung làm đơn khiếu nại. Giải quyết khiếu nại, UBND TP Buôn Ma Thuột ban hành Quyết định 5525, tiếp tục khẳng định bà Dung và ông Bào đã vi phạm trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn (ông Bào không ký tên vào sổ đăng ký kết hôn), những nội dung bà Dung khiếu nại là không có căn cứ.
Từ vụ án ly hôn đến vụ án hành chính
Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, tháng 12-2018, bà Dung khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu tòa án hủy hai quyết định 3260 và 5525.
Xử sơ thẩm ngày 30-8-2019, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Dung. Tòa nhận định kết luận giám định số 320/PC54 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk thể hiện chữ ký tại sổ đăng ký kết hôn năm 2000 không phải do ông Bào ký. Từ đó, việc ông Bào không ký vào sổ đăng ký kết hôn là đã vi phạm về trình tự thủ tục tại Điều 25 Nghị định 83/1998. Việc UBND TP Buôn Ma Thuột ban hành các quyết định 3260 và 5525 là đúng quy định.
Sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, bà Dung có đơn kháng cáo, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng có quyết định kháng nghị.
Tại quyết định kháng nghị, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã chỉ ra nhiều điểm cần làm rõ trong vụ án.
Thứ nhất, tại thời điểm đăng ký kết hôn năm 2000, ông Lê Đại Thắng (cán bộ tư pháp - hộ tịch) xác nhận là người trực tiếp hướng dẫn cho ông Bào thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Hồ sơ đăng ký cũng do ông Bào trực tiếp mang đi nộp và khẳng định không có lý do gì để hợp thức hóa hồ sơ đăng ký kết hôn giữa bà Dung và ông Bào.
Thu hồi chưa đúng quy trình
Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Giám định tư pháp, trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lần thứ hai phải do hội đồng giám định thực hiện.
Như vậy, trong trường hợp này, việc giám định phải được tiến hành lại bởi một hội đồng giám định và kết quả này mới được sử dụng làm cơ sở để thu hồi hay không thu hồi GCN đăng ký kết hôn.
Việc ra quyết định thu hồi và hủy GCN kết hôn trong vụ việc là chưa đúng quy trình.
PGS-TS ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP,
giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM
Đồng thời, ông Bào cho rằng đến năm 2014 (14 năm sau khi đăng ký kết hôn) ông mới biết việc UBND phường cấp giấy đăng ký kết hôn, tuy nhiên thực tế trong giấy đăng ký khai sinh cho hai con, trong sổ hộ khẩu đều thể hiện ông Bào là cha và là người đã đăng ký khai sinh. Như vậy, trong lời khai của ông Bào nói không đến phường đăng ký kết hôn và không biết kết hôn với bà Dung là mâu thuẫn.
Thứ hai, trong quá trình xét xử sơ thẩm có Kết luận giám định chữ ký số 320/PC54 (kết luận chữ ký tại hai mẫu giám định không do một người ký) và Kết luận số 78/PC54 (kết luận chữ ký tại hai mẫu giám định do cùng một người ký). Tuy có hai kết quả khác nhau nhưng tòa sơ thẩm chỉ dựa vào kết quả tại Kết luận số 320/PC54 để giải quyết vụ án là chưa đánh giá khách quan, toàn diện vụ án.
Thứ ba, ông Bào cho rằng ông không đến UBND phường để đăng ký kết hôn mà bà Dung tự đến. Như vậy, theo ông Bào, việc kết hôn với bà Dung có sự lừa dối, vi phạm điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình, bị coi là trái pháp luật. Theo quy định, việc hủy bỏ hôn nhân trái pháp luật thuộc thẩm quyền của TAND nhưng UBND TP Buôn Ma Thuột thụ lý giải quyết là sai thẩm quyền.
Tháng 2-2020, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm, tuyên bác kháng cáo của bà Dung và kháng nghị của VKS.
Đối với vụ án hành chính này, bà Dung cho biết đang tiếp tục làm đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Lạ đến mức chẳng ai tin nổi!
Đầu năm 2000, bà Dung và ông Bào được UBND phường cấp GCN đăng ký kết hôn. Trong suốt những năm chung sống với nhau, hai người có hai con chung, ông Bào là người đi đăng ký khai sinh.
Chuyện sẽ chẳng có gì nếu hai bên không mâu thuẫn và bà Dung quyết định khởi kiện ly hôn vào năm 2014.
Bất ngờ là khi đang trong quá trình giải quyết ly hôn, ông Bào yêu cầu thu hồi, hủy bỏ GCN đăng ký kết hôn và sau đó UBND TP Buôn Ma Thuột ra quyết định thu hồi.
Ông Bào cho rằng mình không đồng ý kết hôn với bà Dung và không ký vào các giấy đăng ký kết hôn, sổ bộ kết hôn tại UBND phường. Thậm chí, đến năm 2014 (14 năm sau khi đăng ký) ông mới biết việc UBND phường cấp giấy đăng ký kết hôn.
Việc hai người sống chung, có con chung nhưng không đăng ký kết hôn thực tiễn không hiếm gặp nhưng một người tự đi đăng ký khai sinh cho hai con, đứng tên cha trên giấy khai sinh (sử dụng đăng ký kết hôn) lại nói mình không biết được phường cấp giấy đăng ký kết hôn khi nào thì thật chẳng ai tin nổi!
Bên cạnh việc khai sinh cho con thì giấy đăng ký kết hôn còn liên quan đến vấn đề xác lập quyền sở hữu tài sản.
Ông Bào nói rằng đến năm 2014 mới biết đến sự tồn tại của giấy đăng ký kết hôn, vậy trước đó, khi làm các thủ tục mua nhà, bán nhà (nếu có), mua xe… thử hỏi ông Bào không phải xin xác nhận tình trạng hôn nhân sao?
Và chẳng lẽ phường cấp cho ông này xác nhận tình trạng hôn nhân là độc thân khi dữ liệu trước năm 2018 vẫn ghi nhận bà Dung và ông Bào là vợ chồng hợp pháp… nên ông này mới không biết mình đã kết hôn.
Ngoài ra, liên quan đến việc UBND TP Buôn Ma Thuột thu hồi GCN đăng ký kết hôn của vợ chồng bà Dung, giả sử đúng quy định (chưa có kết quả cuối cùng vì bà Dung đang kiến nghị giám đốc thẩm) thì dường như phương án thu hồi này chưa xem xét toàn diện vụ việc.
Có thể trong quá trình đăng ký kết hôn vào những năm 2000 có sai sót về thủ tục. Tuy nhiên, thực tế là hai người chung sống đã 18 năm, người thân, bạn bè đều ghi nhận; hai người tổ chức đám cưới (có ảnh chụp); hai người có với nhau hai mặt con, do chính ông Bào đi khai sinh và đứng đứng tên; cán bộ hộ tịch xác nhận đã trực tiếp hướng dẫn cho ông Bào thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Hồ sơ đăng ký kết hôn cũng do ông Bào trực tiếp mang đi nộp.
Vậy thì trong trường hợp này, việc thu hồi giấy đăng ký kết hôn liệu đã xem xét khách quan, toàn diện, đảm bảo quyền lợi cho hai bên đương sự hay chưa?!
QUỲNH LINH