Những vụ ly hôn oái oăm và cái tâm của thẩm phán

Không phải cuộc hôn nhân nào cũng đẹp đẽ và đi cùng nhau đến hết cuộc đời. Nhiều cặp vợ chồng phải ra tòa bởi những lý do rất oái oăm.

Thẩm phán giải quyết án ly hôn có cách hòa giải phù hợp sẽ góp phần bảo vệ sự vẹn toàn cho một gia đình, cho tương lai con trẻ và cũng là cho một xã hội tốt đẹp hơn.

Hiểu lầm vợ xu hướng giới tính của con

Chiều cuối năm, trò chuyện với tôi về quy định cá nhân có quyền xác định lại hoặc chuyển đổi giới tính trong BLDS 2015, thẩm phán N (công tác tại TP.HCM) nhớ đến một vụ án ly hôn mà chị từng giải quyết. Đó là một trong những vụ án chị khó quên được.

Người chồng cương quyết ly hôn vì cho rằng vợ không chung thủy. Trong khi đó, người vợ khẳng định chị không làm gì có lỗi với chồng.

Quá trình giải quyết, thẩm phán N luôn cố gắng tìm hiểu mâu thuẫn với mong muốn hòa giải đoàn tụ. Là phụ nữ, thẩm phán hiểu rằng hôn nhân tan vỡ không chỉ là mất mát của người lớn mà còn là tổn thương của những đứa con.

Nhiều lần làm việc với thẩm phán, người chồng khăng khăng vợ ngoại tình dù không đưa ra được chứng cứ, còn người vợ tuy phủ nhận nhưng không giải thích nhiều.

Nhận ra giữa hai bên dường như có điều khó nói, thẩm phán N đã làm việc riêng với từng người. Sau nhiều lần thẩm phán thuyết phục, người vợ đã trải lòng. Chị kể rằng cuộc sống hôn nhân của họ êm đềm trôi qua cùng niềm hạnh phúc lớn lao được làm cha, làm mẹ khi con trai đầu lòng chào đời. Anh luôn là người chia sẻ, thấu hiểu và rất yêu thương con.

Thế nhưng, bi kịch xuất hiện khi đứa con càng lớn càng không giống anh. Kể từ đó, cuộc sống hôn nhân vốn hạnh phúc chỉ còn là những cuộc cãi vã. Chồng chị lạnh nhạt, thờ ơ với mẹ con chị. Chị đau khổ khi bị chồng nghi ngờ, thương con nhỏ dại nhưng thấy bế tắc trong việc cứu vãn cuộc hôn nhân.

Trình bày riêng với thẩm phán N, người chồng càng tỏ ra tức giận. Anh nói con lúc nào cũng nhút nhát, ẻo lả, khác hẳn với anh. Anh càng bị dị nghị thì càng nghi ngờ vợ...

Thẩm phán N khuyên làm xét nghiệm ADN thì sẽ chứng minh được tất cả. Kết quả, sở dĩ bé có những đặc điểm không giống cha và có phần nhút nhát là do bé có bất thường về gen, có xu hướng là người đồng giới.

Người chồng đến rút đơn ly hôn, cám ơn thẩm phán và bày tỏ sự ân hận. Anh hứa sẽ bù đắp cho vợ con những điều tốt đẹp nhất.

Kể đến đây, thẩm phán N nở nụ cười hạnh phúc. Chị nói chị thấy rất vui vì cuối cùng họ đã đoàn tụ sau những hiểu lầm, tránh được những mất mát của cuộc ly hôn.

Ly hôn vì mẹ chồng mê tín

Một vụ án ly hôn khác, xảy ra nhiều năm trước nhưng tới giờ tôi vẫn không quên được hình ảnh bé gái vừa nắm tay cha vừa nắm tay mẹ vui vẻ bước ra khỏi cổng tòa. Bé chỉ mới tám tuổi, còn quá nhỏ để biết rằng kể từ đây gia đình bé sẽ không còn trọn vẹn nữa.

Vụ án này, người chồng là người nộp đơn ly hôn. Anh cho rằng hai người bất đồng quan điểm, thường xuyên cãi vã, tình cảm đã rạn nứt nên không còn muốn chung sống.

Trong khi đó, người vợ cho rằng vợ chồng yêu thương nhau, chồng đòi ly hôn là do áp lực từ gia đình chồng. Từ lúc hai người quen nhau, gia đình chồng đã phản đối, nhất là mẹ chồng. Mẹ chồng mê tín, cho rằng chị sẽ có ba đời chồng nên nhiều lần gây áp lực để con trai phải ly hôn.

Sau một lần chồng chị nộp đơn rồi rút đơn, mẹ chồng đòi từ mặt, giả đau bệnh... để tiếp tục ép con trai nộp đơn. Chị cho rằng chồng nhút nhát, thiếu chính kiến, lại rất sợ mẹ nên không dám đấu tranh bảo vệ hạnh phúc. Người vợ như đem hết sự tức tối, uất nghẹn chỉ để nói về mẹ chồng.

Người chồng không phản bác trình bày của vợ. Anh tỏ ra bối rối và chỉ nói đã hết tình cảm nên muốn ly hôn.

Chị nhìn chồng, vẻ mặt bất lực, hỏi: “Nếu anh không còn yêu thương em thì tại sao vẫn lén lút đến thăm, dẫn mẹ con em đi chơi? Sao anh không nói đúng sự thật?”.

Ngồi ở hàng ghế dự khán, đứa bé lén lút cầm tay cha, còn người cha thì vội vàng gỡ ra. Anh không quay mặt sang nhìn con. Khi tòa hỏi muốn sống với ai, bé hồn nhiên trả lời: “Con muốn sống với ba với mẹ”.

Tòa tạm nghỉ, người chồng bỏ ra ngoài, còn vợ bần thần ngồi trong phòng xử. Tôi hỏi chuyện, chị nghẹn giọng nói rằng những gì chị trình bày đều là sự thật. Chị còn bảo tôi: “Em cứ ở đây đến hết phiên tòa em sẽ hiểu. Sau phiên tòa, ảnh với chị sẽ dẫn bé đi công viên chơi như không có chuyện gì xảy ra”.

Vụ án kéo dài bốn năm, trải qua rất nhiều lần hòa giải. Cuối cùng, tòa chấp nhận yêu cầu của người chồng. Sau phiên tòa của cha mẹ, bước ra khỏi phòng xử, đứa bé một bên nắm tay cha, một bên nắm tay mẹ, tung tăng bước đi. Tôi thấy cái nắm tay ấy bóp nghẹn trái tim mình...

Ai cũng mong muốn gia đình thuận hòa

Không thẩm phán nào vì mong muốn sớm kết thúc một vụ án hay để hoàn thành chỉ tiêu mà vội vàng giải quyết cho ly hôn.

Có thể trong lúc nóng giận, vợ hoặc chồng sẽ yêu cầu ly hôn. Nếu tòa cũng sớm mời bên còn lại đến để làm việc thì họ sẽ nhanh chóng chấp thuận mà không suy nghĩ nhiều. Tâm lý chung, một khi đã nộp đơn thì nguyên đơn sẽ luôn có cái uất ức bị dồn nén lâu ngày, luôn nghĩ đối phương là người có lỗi với mình.

Do đó, cần cho các bên có thời gian để suy nghĩ về cái sai, cái đúng của bản thân. Khi đã bình tâm suy nghĩ lại thì cả hai sẽ có những quyết định đúng đắn. Khi hòa giải, thẩm phán cần tạo điều kiện để nguyên đơn nói hết suy nghĩ cho bị đơn nghe. Vợ chồng sẽ hiểu nhau hơn khi nắm bắt được tâm tư của bạn đời, từ đó khắc phục hạn chế mà tiếp tục chung sống.

Ai cũng mưu cầu hạnh phúc, ai cũng muốn gia đình thuận hòa. Với án hôn nhân, thẩm phán nên nắm bắt tâm lý của từng người để có hướng hòa giải phù hợp. Từ đó sẽ khiến đương sự suy nghĩ tích cực, hướng về những điều tốt đẹp, gạt bỏ cái tôi vị kỷ mà trở về chung sống, chăm lo cho gia đình.

Bằng cái tâm, người thẩm phán giải quyết án hôn nhân gia đình có thể góp phần bảo vệ sự vẹn toàn cho một gia đình, cho tương lai con trẻ và cũng là cho một xã hội tốt đẹp hơn.

Một thẩm phán chuyên xử án hôn nhân gia đình 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm