Vì sao ông Trịnh Văn Quyết 'mất ngôi' người giàu nhất?

Trái với xu hướng liên tiếp tăng điểm của cổ phiếu VIC thì giá cổ phiếu ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros liên tục rơi vào trạng thái “bốc hơi” với tốc độ chóng mặt. Cụ thể đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần này, giá cổ phiếu ROS đã bay mất 7%, chỉ còn 97.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy nếu những ai trót đầu tư vào cổ phiếu ROS ở thời điểm cách đây một tháng thì đến giờ chắc chắn sẽ phải khóc ròng. Bởi trong vòng một tháng qua, ROS đã khiến các nhà đầu tư “thủng túi” đến hơn một nửa giá trị, khi mua ở mức 162.000 đồng/cổ phiếu. 

Với diễn biến xấu này đã khiến khối tài sản chứng khoán của Chủ tịch FLC, ông Trịnh Văn Quyết giảm mạnh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc vị trí giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam mà ông Quyết nắm giữ trong bảy tháng qua đã phải "giao" lại cho người ở ví trí thứ hai, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.

Giá cổ phiếu VIC tăng trưởng liên tục trong 10 phiên liên tiếp từ mức 40.600 đồng/cổ phiếu lên 43.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 16-6.

Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của Vingroup là 113.421 tỉ đồng. Sở hữu gần 724 triệu cổ phiếu VIC, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT của Vingroup đạt 31.131 tỉ đồng, trở lại vị trí dẫn đầu trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Ông Vượng cũng từng có chín năm liên tục giữ vị trí giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. 

Trong vòng một thập niên tới, Việt Nam sẽ có khoảng 540 người siêu giàu

Đứng ở vị trí thứ ba là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Công ty CP hàng không Vietjet (VJC) với giá trị chứng khoán là 17.159 tỉ đồng.

Vị trí thứ tư vẫn thuộc về ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với giá trị cổ phiếu đạt 11.771 tỉ đồng.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va đứng vị trí thứ năm với giá trị cổ phiếu là 9.909 tỉ đồng.

Theo báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report) do Knight Frank công bố, Việt Nam có 200 người siêu giàu sở hữu từ 30 triệu USD trở lên trong năm 2016, tăng 30 người so với năm trước đó. Trong một thập niên tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 170%, lên 540 người trong khi Ấn Độ với 150% và Trung Quốc khoảng 140%.

Báo cáo còn ghi nhận số triệu phú ở Việt Nam được dự báo tăng từ 14.300 lên 38.600 trong một thập niên tới.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, đối với các nước đang phát triển, đặc biệt là nước đang phát triển khá nhanh như Việt Nam thì xu hướng người giàu xuất hiện sẽ ngày càng tăng mạnh.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giàu nhanh thì có nhiều: Có người do kinh doanh giỏi, do sự năng động của bản thân; có người nhờ chứng khoán, bất động sản; có người phất nhanh nhờ đầu cơ…

Tuy nhiên, ông Phong cho rằng: “Những thống kê và dự báo của Wealth Report chủ yếu dựa trên sàn chứng khoán. Song nếu chỉ dựa vào con số trên sàn thì cũng chưa chính xác, bởi thực tế nhiều người giàu thật nhưng không công khai tài sản của mình”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới