Báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report) vừa được Knight Frank công bố cho thấy Việt Nam là một trong số các quốc gia có số người siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới.
Cả nước có 1 tỉ phú là quá ít
Theo báo cáo trên, Việt Nam có 200 người siêu giàu sở hữu từ 30 triệu USD trở lên trong năm 2016, tăng 30 người so với năm trước đó. Trong một thập niên tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 170%, lên 540 người trong khi Ấn Độ với 150% và Trung Quốc khoảng 140%.
Báo cáo còn ghi nhận Việt Nam hiện có một tỉ phú đôla và con số này sẽ tăng lên ba vào năm 2026. Đặc biệt số triệu phú ở Việt Nam được dự báo tăng từ 14.300 lên 38.600 trong một thập niên tới.
Vì sao người siêu giàu Việt Nam tăng nhanh như vậy? Knight Frank nhận định một yếu tố quan trọng tác động tới việc thay đổi thu nhập trong năm ngoái là do kết quả hoạt động của các thị trường chứng khoán. “Chúng tôi dự báo số triệu phú Việt Nam sẽ tăng mạnh nhờ sự phát triển của các ngành y tế, sản xuất và dịch vụ tài chính” - ông Andrew Amoils, người đứng đầu nhóm nghiên cứu thực hiện bản báo cáo, lý giải.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng đánh giá sự biến đổi của kinh tế Việt Nam trong 25 năm qua là ấn tượng. Cải cách kinh tế và chính trị đã giúp thu nhập của người dân tăng cao. Dù cơ quan này cảnh báo Việt Nam còn dễ tổn thương trước các cú sốc kinh tế và môi trường nhưng triển vọng với nền kinh tế vẫn rất sáng sủa.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, đối với các nước đang phát triển, đặc biệt là nước đang phát triển khá nhanh như Việt Nam thì xu hướng người giàu xuất hiện sẽ ngày càng tăng mạnh. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng giàu nhanh thì có nhiều: Có người do kinh doanh giỏi, do sự năng động của bản thân; có người nhờ chứng khoán, bất động sản; có người phất nhanh nhờ đầu cơ…
Tuy nhiên, ông Phong cho rằng: “Những thống kê và dự báo của Wealth Report chủ yếu dựa trên sàn chứng khoán. Song nếu chỉ dựa vào con số trên sàn thì cũng chưa chính xác, bởi thực tế nhiều người giàu thật nhưng không công khai tài sản của mình”.
Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính, nhận xét rằng Wealth Report có cơ sở để đưa ra những con số và dự báo về người siêu giàu Việt. Tuy nhiên, Wealth Report chủ yếu dựa trên những số liệu trong các báo cáo tài chính đã được kiểm toán, được công bố minh bạch. Nếu có số liệu chính xác về tổng giá trị các loại tài sản thì rất có thể ở ngay thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có tới 3 tỉ phú đôla chứ không cần phải đợi tới gần 10 năm nữa mới đạt con số này.
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Khánh cho rằng hiện Knight Frank chỉ ghi nhận tỉ phú duy nhất tại Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng. Nhưng thực tế với bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc của Vietjet Air, vừa trở thành người phụ nữ giàu nhất trên thị trường chứng khoán. Hiện giá trị vốn hóa thị trường của Vietjet là 27.000 tỉ đồng, tương ứng khoảng 1,2 tỉ USD.
Thị trường chứng khoán Việt đã tạo ra một tầng lớp siêu giàu. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Phạm Nhật Vượng và ông Trịnh Văn Quyết là những người giàu trên sàn chứng khoán. Ảnh: TL
Làm giàu chủ yếu từ bất động sản
Ông Phan Dũng Khánh nhận định tỉ phú Việt chủ yếu làm giàu từ lĩnh vực bất động sản, hay nói cách khác là từ những tài sản hữu hình. Trong khi đó, tài sản của các tỉ phú thế giới lại chủ yếu thuộc về lĩnh vực liên quan trí tuệ và tài sản vô hình. Trong thế giới phẳng hiện nay thì những tài sản vô hình ngày càng quan trọng hơn.
Bên cạnh đó, tiêu chí bình chọn người giàu nhất của nước ngoài cũng khác với chúng ta. Cụ thể, nước ngoài tính toán dựa trên tổng tài sản như giá trị vốn hóa của cổ phiếu trên sàn chứng khoán, các loại tài sản khác ngoài chứng khoán và cả những chứng khoán chưa niêm yết. Trong khi tại Việt Nam thì thường chỉ dựa vào duy nhất giá trị vốn hóa của cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán để thống kê.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói xã hội càng phát triển thì sẽ có những người giàu lên nhanh. Cá nhân bà hoan nghênh phải có những người giàu. Tuy vậy bà mong mỏi ở Việt Nam có những người giàu đi lên bằng con đường qua tài năng kinh doanh, công nghiệp, phát kiến về công nghệ… Tiếc là số người giàu có được bằng con đường này quá ít.
“Công nghệ là một lĩnh vực cần phát triển mạnh, dù cho trên thế giới số người giàu lên vì công nghệ như Bill Gates, Mark Zuckenberg cũng không phải nhiều. Dĩ nhiên, không thể ngay một lúc mà Việt Nam có những đại gia công nghiệp trong lĩnh vực này ngay. Nhưng điều đó đảm bảo rằng: Những đại gia đi lên bằng con đường công nghiệp, công nghệ bền vững sẽ đóng góp được nhiều hơn cho đất nước” - bà Lan nói.
Để người giàu ngẩng cao đầu TS Võ Đại Lược cho rằng ở Việt Nam lâu nay hướng phát triển thông qua bất động sản, phát triển đô thị đang là chủ đạo. Tuy nhiên, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích sáng tạo để mọi chủ thể có đủ năng lực tập trung vào lĩnh vực công nghệ, sáng tạo, biến những phát minh, sáng chế… thành sản phẩm, tạo giá trị thặng dư cao. “Khi đó, những đại gia Việt Nam sẽ có thể ngẩng cao đầu khi giá trị đích thực của họ là đóng góp thật nhiều cho đất nước bằng trí tuệ, tâm huyết của mình” - ông Lược nói. Người giàu thích rượu vang, xe cổ Báo cáo của Knight Frank cho hay số người siêu giàu trên thế giới đã tăng thêm 6.340 người trong năm 2016, lên hơn 193.000 người. Trong đó có thêm 60 người đạt mốc tài sản 1 tỉ USD trở lên, đưa tổng số tỉ phú toàn cầu lên hơn 2.000 người. Báo cáo cũng chỉ ra một số sở thích chi tiêu của người giàu. Đó là rượu vang, xe cổ và các tác phẩm nghệ thuật. "Nghèo" nhất cũng có 2.800 tỉ đồng Top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán năm 2016 ghi nhận 2 tỉ phú USD và người “nghèo” nhất cũng có hơn 2.800 tỉ đồng. Tính theo giá trị tài sản quy từ cổ phiếu trên sàn, ông Trịnh Văn Quyết có khối tài sản lên tới 1,9 tỉ USD. |