Vì sao ông Trump đang “ngó lơ” biển Đông?

Đại sứ Mỹ tại Philippines,  ông Sung Kim, ngày 7-5 tái khẳng định cam kết của Washington về việc duy trì tự do hàng hải trên biển Đông. Tuyên bố được đưa ra giữa thời điểm có nhiều nhận định của truyền thông Mỹ cho rằng chính phủ Tổng thống Donald Trump sẵn sàng ngó lơ vấn đề biển Đông để đổi lấy sự giúp đỡ của Bắc Kinh giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Vắng bóng các cuộc tuần tra

ông Sung Kim khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không trên biển Đông là mối quan tâm của không chỉ riêng nước Mỹ mà còn là vấn đề có khả năng tác động đến cả cộng đồng quốc tế, tờ The Inquirer cho biết.

Trả lời họp báo tại Manila về các lo ngại Mỹ sẽ ngó lơ vấn đề biển Đông, ông Sung Kim cho biết: “Tôi vẫn chưa ghi nhận các báo cáo như vậy nhưng tôi có thể khẳng định rằng lập trường cơ bản của nước Mỹ vẫn không thay đổi. Chúng tôi vẫn tin tưởng việc bảo vệ tự do hàng hải là vấn đề của không riêng nước Mỹ mà của toàn bộ cộng đồng quốc tế”.

Ông Sung Kim khẳng định tự do hàng hải và tự do hàng không “là các quyền rất cơ bản không chỉ về mặt chiến lược mà còn giúp bảo vệ dòng chảy thương mại quốc tế. Vì vậy lập trường của chúng tôi vẫn không thay đổi”.

Tuyên bố của đại sứ Sung Kim được đưa ra giữa bối cảnh kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức đến nay, Mỹ chưa thực hiện một hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) nào tại biển Đông, theo tiết lộ của các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho tờ The New York Times. Không những vậy, Lầu Năm Góc thời gian qua đã ít nhất ba lần từ chối yêu cầu của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương xin phép thực hiện FONOP tiếp cận vùng 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông, tờ The New York Times cho biết.

Khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Decatur của Mỹ tiến hành sứ mệnh tuần tra trên biển Đông vào ngày 13-10-2016. Ảnh: REUTERS

Ưu tiên vấn đề Triều Tiên

Theo hãng tin CNN, việc Lầu Năm Góc từ chối cho phép áp sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông được cho là để hạ nhiệt mối quan hệ Mỹ-Trung. Với các động thái gần đây của Bắc Kinh nhằm tăng sức ép lên Bình Nhưỡng, thời điểm thực hiện các hoạt động FONOP đang được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và các lãnh đạo Lầu Năm Góc cân nhắc lại, tờ The New York Times tiết lộ.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng ông Trump đang nỗ lực dùng vấn đề biển Đông để lôi kéo Trung Quốc toàn tâm tăng sức ép lên Triều Tiên, hãng tin CNN cho biết. Trả lời trên trang chuyên ngành Maritime Issues, bà Bonnie S. Glaser, cố vấn cấp cao các vấn đề châu Á thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS), nhận định Triều Tiên đang là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ.

Mối đe dọa trực tiếp từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng trở thành ưu tiên chính sách hàng đầu của chính phủ ông Trump. Các vấn đề hải dương bao gồm biển Đông vẫn có ý nghĩa quan trọng nhưng không cấp thiết bằng bài toán Triều Tiên. “Trung Quốc khó có các động thái khiêu khích trong năm nay vì có thể làm phương hại đến mối quan hệ đang cải thiện với Philippines, cũng như viễn cảnh xây dựng thành công một bộ quy tắc ứng xử không đe dọa lợi ích của Trung Quốc” - bà Glaser cho biết.

Sẽ không ngừng tuần tra

Bên cạnh yếu tố Triều Tiên, việc bộ máy hoạch định chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump vẫn chưa hoàn chỉnh và thiếu nhiều nhân sự chủ chốt có thể khiến việc đưa ra quyết sách bị chậm trễ. Một số vị trí cấp cao, bao gồm cả các vị trí đại sứ, thậm chí vẫn chưa được đề cử và sẽ tốn thêm nhiều tháng trời để được chính thức bổ nhiệm. Sự thiếu hụt về các vị trí thứ trưởng và thành viên các ủy ban cũng tác động đến bộ máy hoạch định chính sách đối ngoại.

Còn theo tiết lộ của một số quan chức quốc phòng với tờ The New York Times, ông James Mattis và bộ sậu lãnh đạo Lầu Năm Góc không phản đối tiến hành cách hoạt động FONOP nhưng vẫn đang trong quá trình xem lại vị thế an ninh toàn cầu của Mỹ và không muốn đưa ra các hàm ý chiến lược sai lầm.

Trước các lo ngại trên, Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Patrick Murphy khẳng định các hoạt động FONOP “sẽ tiếp diễn”. Ông cho biết việc tuần tra thể hiện “nguyên tắc cốt lõi của Mỹ” về quyền máy bay và tàu Mỹ được hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép.

Trả lời CNN, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis cũng cho biết quân đội Mỹ hoạt động thường xuyên tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, “bao gồm cả biển Đông”. Tuy nhiên, ông Davis thông báo “các hoạt động này sẽ chỉ được công bố trong báo cáo FONOP thường niên” chứ không thể sớm hơn.

Viễn cảnh Philippines-Trung Quốc tập trận chung

Tổng thống Rodrigo Duterte đã bày tỏ mong muốn tổ chức tập trận chung giữa Philippines và Trung Quốc, các chuyên gia từ hai nước tiết lộ với tờ Thời Báo Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP). Quyền Ngoại trưởng Philippines, ông Enrique Manalo, ngày 7-5 cũng cho biết: “Các quan chức quốc phòng hai nước thường xuyên gặp gỡ”.

Một chuyên gia giấu tên của Văn phòng Nghiên cứu Chiến lược Hải quân - trực thuộc hải quân Philippines cũng cho rằng Manila và Bắc Kinh cần ký một thỏa thuận có đề cập đến hoạt động tập trận thì mới có cơ sở để tiến hành trong tương lai. Tuy nhiên, việc Manila và Bắc Kinh thúc đẩy ký kết thỏa thuận tập trận cũng chắc chắn sẽ gặp phải sự cản trở từ Mỹ, ông Zhou Chenming - chuyên gia quân sự Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (Trung Quốc) cho biết.

“Hệ thống quân sự của Philippines liên kết rất chặt chẽ với Mỹ. Điều này có thể trở thành lý do để Mỹ tăng sức ép lên Trung Quốc và khiến các hoạt động tập trận chung không thể được tiến hành” - ông Zhou cho biết.

________________________________

Nếu Bắc Kinh quyết định triển khai thiết bị quân sự lên thêm một tiền đồn quân sự trên Trường Sa, có thể là trong năm sau, chính phủ ông Trump có thể phản ứng mạnh mẽ hơn nhiều so với chính phủ ông Obama.

BONNIE S. GLASER, cố vấn
cấp cao Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm