Theo các nhà phân tích, việc ông Duterte đẩy mạnh thắt chặt quan hệ quốc phòng với hải quân Trung Quốc nằm trong chiến lược giảm sự lệ thuộc về quân sự của Philippines đối với Mỹ, đồng thời mở rộng quan hệ với các cường quốc trong khu vực.
Trả lời tờ SCMP, Quyền Ngoại trưởng Philippines ông Enrique Manalo ngày 7-5 cho biết: “Chúng tôi vẫn đang chủ động xem xét phát triển mạnh các mối quan hệ, cụ thể như hợp tác quốc phòng, với Trung Quốc. Các quan chức quốc phòng hai nước thường xuyên gặp gỡ. Hợp tác quốc phòng giữa hai nước hiện rất tốt, cũng như các vấn đề an ninh như chống khủng bố và chống tội phạm xuyên quốc gia”.
Quan hệ Trung Quốc - Phillippines đã được hâm nóng trở lại dưới thời Tổng thống Duterte, đặc biệt khi ông cam kết sẵn sàng gác lại các tranh chấp biển Đông sang một bên và theo đuổi các mục tiêu hợp tác phát triển kinh tế.
Phát biểu ngày 1-5, ông Duterte cũng để ngỏ khả năng tiến hành tập trận chung với Trung Quốc trong các vùng biển có cướp biển hoành hành gần đảo Mindanao. Ông cũng từng yêu cầu Trung Quốc điều tàu tuần tra đến khu vực hỗ trợ đối phó các phần tử khủng bố thân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở biển Sulu. Tuy nhiên, việc mở rộng hợp tác kinh tế sang hợp tác quốc phòng vẫn vấp phải nhiều thách thức lớn.
Ông Duterte (phải) thăm tàu chiến Trung Quốc viếng thăm Davao (Philippines) ngày 1-5. Ảnh: Tân Hoa xã
Theo Clarita Carlos, chuyên gia về các vấn đề quốc tế thuộc ĐH Philippines, hiện hai nước vẫn chưa ký được Thỏa thuận viếng thăm các lực lượng vũ trang. Điều này ngăn cản khả năng tiến hành một cuộc tập trận chung song phương. Hiện Philippines chỉ mới ký kết thỏa thuận này với Mỹ và Úc.
Bà Clarita Carlos cho rằng ông Duterte chỉ cần đệ trình lên Thượng viện yêu cầu thông qua một thỏa thuận tương tự là sẽ mở đường được cho hợp tác song phương quân sự và quốc phòng cao hơn.
“Ông ấy nắm cả Hạ viện và Thượng viện, và đang có mức độ ủng hộ cao. Vậy nên ông sẽ dễ dàng gom đủ phiếu thuận và thỏa thuận có thể dễ dàng được thông qua” - bà Carlos cho biết.
Một chuyên gia giấu tên của Văn phòng Nghiên cứu Chiến lược Hải quân -trực thuộc Hải quân Philippines, cũng cho rằng Manila và Bắc Kinh cần ký một thỏa thuận có đề cập đến hoạt động tập trận thì mới có cơ sở để tiến hành trong tương lai.
“Vẫn còn nhiều cân nhắc cần được thảo luận và soạn thảo chi tiết giữa hai nước, chẳng hạn như về địa điểm và các loại hình huấn luyện hoặc hoạt động chung” - chuyên gia hải quân Philippines trả lời tờ SCMP.
Ông Duterte (phải) trong chuyến viếng thăm Bắc Kinh và làm việc cùng Chủ tịch trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tháng 10-2016. Ảnh: The New York Times
Việc Manila và Bắc Kinh thúc đẩy ký kết thỏa thuận tập trận cũng chắc chắn sẽ gặp phải sự cản trở từ Mỹ, ông Zhou Chenming - chuyên gia quân sự Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (Trung Quốc) cho biết.
“Hệ thống quân sự của Philippines liên kết rất chặt chẽ với Mỹ. Không loại trừ khả năng Trung Quốc có thể dựa vào tập trận để tìm hiểu tần số radio, loại tín hiệu và phương thức liên lạc của quân đội Mỹ. Điều này có thể trở thành lý do để Mỹ tăng sức ép lên Trung Quốc và khiến cho các hoạt động tập trận chung không thể được tiến hành” – ông Zhou cho biết.
Ông Zhou cũng cho rằng việc Trung Quốc và Philippines tiến hành tập trận chung chỉ là vấn đề thời gian. Hai nước có thể sẽ bắt đầu với các hoạt động tập trận chung “phi truyền thống” như chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và khắc phục thiên tai.