Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30-4 tiếp tục có bước đi mới nhằm tìm kiếm hợp tác tăng áp lực lên các chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên.
Vì Triều Tiên, bỏ qua khúc mắc
Ông Trump đã có các cuộc điện đàm với các thủ tướng Thái Lan và Singapore về đe dọa Triều Tiên và mời hai lãnh đạo sang thăm Mỹ, Reuters dẫn thông tin từ một số quan chức Mỹ.
“Họ đã bàn cách duy trì áp lực ngoại giao và kinh tế lên Triều Tiên” - một quan chức Mỹ không nêu tên nói về các cuộc điện đàm.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á ở Nhật ngày 29-9-2016. Ảnh: REUTERS
Trước đó, tối 29-4, ông Trump đã điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và cũng mời lãnh đạo này thăm Mỹ. Các cuộc gọi của ông Trump với hai đồng minh ASEAN diễn ra hai ngày sau vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên.
Một tuần trước đó, ông Trump đã có cuộc nói chuyện điện thoại với các lãnh đạo Trung Quốc và Nhật về Triều Tiên.
“Chúng ta cần hợp tác với nhiều đối tác trong khu vực, bảo đảm có một sự đồng lòng. Nếu có điều gì xảy ra ở Triều Tiên, chúng ta có sự đồng lòng ủng hộ kế hoạch hành động với Triều Tiên” - ông Reince Priebus, Chánh Văn phòng Nhà Trắng, nói trong chương trình This Week của đài ABC phát ngày 30-4.
Có thể thấy vì Triều Tiên ông Trump và chính phủ Mỹ đã chọn bỏ qua các khúc mắc không hề nhỏ với Trung Quốc và Philippines. Với Trung Quốc, đó là chính sách thương mại và tiền tệ. Với Philippines đó là lo ngại về cuộc truy quét ma túy khiến hơn 8.000 người chết từ khi ông Duterte lên cầm quyền. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha lãnh đạo chính phủ quân sự Thái Lan sau cuộc đảo chính năm 2014. Quan hệ Thái Lan với Mỹ xấu đi trong thời Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha trên đường tới một cuộc họp nội các ngày 4-4. Ảnh: REUTERS
“Thương mại rất quan trọng. Nhưng còn một cuộc chiến lớn mà hàng triệu người có thể phải chết?” - ông Trump trả lời phỏng vấn chương trình Face the Nation do đài CBS phát sóng ngày 30-4.
Trong khi đó, nói với ABC, ông Priebus cho biết: “Hiện không có gì đe dọa nước Mỹ và khu vực hơn điều sẽ xảy ra ở Triều Tiên”.
Ông Trump đang tính toán gì?
Chưa rõ các cuộc điện đàm này có đồng nghĩa với việc Mỹ đang chuẩn bị hành động quân sự với Triều Tiên hay không.
Giữa tuần rồi, trong cuộc họp với 100 thành viên Thượng viện Mỹ tại Nhà Trắng, các quan chức hàng đầu Mỹ cho biết chiến lược hiện tại của Mỹ với Triều Tiên là ưu tiên tăng trừng phạt, tăng áp lực ngoại giao, buộc nước này quay lại đàm phán. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn độc quyền của Reuters sau đó, ông Trump tuyên bố hoàn toàn có khả năng sẽ có “xung đột lớn” với Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 28-4 nói mọi phương án đều được tính đến, không loại trừ quân sự.
Hệ thống tên lửa THAAD của Mỹ đã được đưa tới địa điểm triển khai ở huyện Seongju, tỉnh North Gyeongsang, Hàn Quốc ngày 26-4. Ảnh: REUTERS
Mới nhất, tướng H.R. McMaster, cố vấn An ninh quốc gia của ông Trump, yêu cầu chính phủ Mỹ phải có phản ứng với vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Đặc biệt sau khi Phó Tổng thống Mike Pence đã nói với các đồng minh trong chuyến thăm châu Á vừa rồi là “thời kỳ kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc”.
Thêm một diễn biến gây lo ngại khả năng có xung đột trên bán đảo Triều Tiên. Ngày 28-4, đội tàu tấn công do tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã tới vùng biển gần bán đảo Triều Tiên, bắt đầu tập trận với hải quân Hàn Quốc 12 tiếng sau vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên.
Tàu sân bay USS Carl Vinson lớp Nimitz của Mỹ ngoài bờ biển tỉnh Nagasaki phía Nam Nhật ngày 29-4. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, nói trên chương trình State of the Union của CNN, ông John McCain, một nghị sĩ Cộng hòa hàng đầu về chính sách đối ngoại, cũng không tin ông Trump đang nghĩ đến khả năng quân sự vì sẽ khiến Hàn Quốc gặp nguy hiểm.
Giáo sư luật quốc tế Jens David Ohlim tại trường luật Cornell (Mỹ) nhận định có thể Mỹ chỉ tập hợp liên minh trong khu vực để thống nhất đối phó Triều Tiên, chứ không phải tính toán khả năng quân sự.
Theo chuyên gia Adam M. Smith, chuyên nghiên cứu về các lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính trong chính phủ Obama, các động thái tìm tới đồng minh của chính phủ Trump làm ông nhớ tới bài học trong kiềm chế tham vọng hạt nhân Iran: Càng nhiều áp lực đa phương thì càng hiệu quả.