Triều Tiên sáng sớm nay vừa thực hiện thêm một vụ thử tên lửa. Vụ thử lần này diễn ra ở vùng phụ cận Bukchang ở huyện Pyeongannam-do, tỉnh South Pyeongan, phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng. Vụ thử mới nhất này cũng thất bại tương tự ba vụ thử liên tiếp trước đó, tên lửa nổ ngay trên không vài phút sau khi phóng và đạt tầm cao 71 km.
Hiện Bộ Chỉ huy liên quân Hàn Quốc (JSC) đang thu thập thông tin xác định chủng loại và tầm bay của tên lửa. Tuy nhiên, theo một số quan chức Mỹ không nêu tên thì có khả năng đây là tên lửa tầm trung KN-17 và đã nổ trên không vài phút sau khi phóng.
Từ đầu năm đến nay, các hoạt động thử tên lửa của Triều Tiên diễn ra với tần suất dày bất thường. Nhiều chuyên gia tin rằng Triều Tiên đã đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển tên lửa xuyên lục địa và tên lửa phóng từ tàu ngầm.
Triều Tiên chủ động cho nổ tên lửa trên không?
Lo ngại Triều Tiên sẽ thử hạt nhân lần thứ sáu hoặc thử tên lửa đạn đạo tầm xa đến giờ vẫn chưa giảm, dù đã qua hai ngày lễ lớn của nước này: Kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành (15-4) và 85 năm thành lập quân đội (24-4).
Một vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm của Triều Tiên. Ảnh: EPA
Theo chuyên gia Kim Dong-yub tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở ĐH Kyungnam (Hàn Quốc), thông qua thời điểm thử tên lửa mới nhất này Triều Tiên muốn gửi đến các nước đối đầu thông điệp cứng rắn.
“Vụ thử được lên kế hoạch thực hiện đúng thời điểm phức tạp: Quân đội Hàn Quốc và Mỹ sắp chấm dứt tập trận chung, Mỹ đang nói về khả năng tấn công quân sự, Hàn Quốc thông báo chính sách với Triều Tiên, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ thì đang họp bàn cách đối phó” - theo chuyên gia Kim. Các cuộc tập trận chung của quân đội Mỹ và Hàn Quốc diễn ra trong suốt hai tháng 3 và 4.
Dù phía Hàn Quốc và Mỹ đều nhận định đây là vụ thử thất bại nhưng theo chuyên gia Kim, có thể chính Triều Tiên đã chủ đông cho tên lửa phát nổ trên không sau khi tên lửa đạt được tầm cao và tầm xa đủ để Triều Tiên thu thập được các dữ liệu mình cần.
Mỹ bác thúc giục khôi phục đàm phán của Trung Quốc
Vụ thử mới nhất này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quanh các chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên đang rất cao. Mỹ liên tục tìm cách tăng áp lực ngoại giao, vận động trừng phạt.
Trong chuỗi hành động nhằm mục tiêu xử lý đe dọa từ Triều Tiên, ngày 28-4 tại New York (Mỹ), Ngoại trưởng Rex Tillerson đã họp với ngoại trưởng các nước thành viên HĐBA LHQ bàn cách đối phó nước này.
Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Tillerson đã cảnh báo HĐBA LHQ nếu không kiềm chế được các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên thì sẽ có “hậu quả tàn khốc” xảy ra. Ông Tillerson đề nghị HĐBA ra tay trước khi Triều Tiên có hành động mạnh hơn, kêu gọi các nước cắt quan hệ ngoại giao và tài chính với Triều Tiên, chặn dòng lao động Triều Tiên vào nước mình, cấm nhập khẩu hàng hóa Triều Tiên, đặc biệt là than.
Theo ông Tillerson, Mỹ không theo đuổi thay đổi thể chế Triều Tiên, tuy nhiên vẫn để mở khả năng tấn công quân sự nếu nước này cương quyết không từ bỏ hạt nhân, tên lửa. Cả Trung Quốc và Nga đều lên tiếng trách móc việc Mỹ đe dọa dùng biện pháp quân sự với Triều Tiên.
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị (thứ hai từ phải sang) trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sau cuộc họp với các ngoại trưởng thành viên HĐBA LHQ ngày 28-4. Ảnh AP
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng không phải chỉ Trung Quốc có trách nhiệm và khả năng giải quyết vấn đề Triều Tiên.
“Chìa khóa giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không nằm trong tay Trung Quốc” - Bộ trưởng Vương nói với HĐBA LHQ. Theo Bộ trưởng Vương: "Cần thiết phải bỏ qua mọi bất đồng, tranh cãi ai đúng ai sai. Giờ là lúc phải nghiêm túc cân nhắc khôi phục đàm phán".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Tillerson đã bác bỏ lời nói này của ông Vương.
"Chúng tôi sẽ không quay trở lại bàn đàm phán với Triều Tiên. Chúng tôi sẽ không bỏ qua các vi phạm, không thể tặng thưởng thái độ tồi tệ của họ bằng đàm phán".
Chưa biết tình hình sẽ đi đến đâu khi Trung Quốc muốn khôi phục đàm phán trước rồi hành động sau trong khi Mỹ muốn Triều Tiên phải có động thái cắt giảm hạt nhân trước rồi mới quay lại đàm phán.
Reuters dẫn nhận định nhiều nhà ngoại giao rằng sau cuộc họp này, nhiều khả năng HĐBA LHQ sẽ bắt đầu vào cuộc bàn tuyên bố lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên sáng 29-4.
Khả năng Mỹ sẽ đẩy nhanh trừng phạt
Phản ứng của chính phủ Trump với vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên có thể là đẩy nhanh kế hoạch trừng phạt, không loại trừ trừng phạt thứ phát các công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên, một quan chức Mỹ nói với Reuters. Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể vin vào vụ thử này của Triều Tiên để thúc Trung Quốc làm nhiều hơn để kiềm chế Triều Tiên.
Trả lời phỏng vấn độc quyền Reuters ngày 27-4, ông Trump cho biết phương án ưu tiên với Triều Tiên lúc này vẫn là gia tăng trừng phạt và áp lực, tin tưởng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nỗ lực tăng áp lực lên Triều Tiên.
Dù thế ông Trump cũng tuyên bố Triều Tiên là thách thức an ninh lớn nhất của mình và hoàn toàn có khả năng xảy ra xung đột lớn với nước này. Đội tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đang trên đường đến bán đảo Triều Tiên và sẽ hội ngộ cùng tàu ngầm hạt nhân USS Michigan trang bị tên lửa dẫn đường Tomahawk của Mỹ tại Hàn Quốc vào ngày 2-5.