Sáng 5-12, Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng tổ chức hội thảo sử dụng bản án của tòa án cho giảng dạy, đào tạo luật.
PGS-TS Nguyễn Thị Hoài Phương (Phó Viện trưởng Viện Kinh doanh và Quản lý, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng bản án trong giảng dạy luật.
Bà cho đây là nhân tố tất yếu để đào tạo ra những sinh viên có đủ kiến thức và kỹ năng hành nghề sau khi ra trường. Qua đó, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của nhà tuyển dụng.
PGS-TS Nguyễn Thị Hoài Phương phát biểu. Ảnh: MINH CHUNG
Thực tiễn giảng dạy luật cho thấy các bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án chứa đựng nguồn thông tin, dữ liệu dồi dào, hấp dẫn, mang tính thời sự cao gắn liền với thực tiễn.
Đồng tình, PGS-TS Phan Nhật Thanh (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết phương pháp giảng dạy qua án khởi nguồn từ ĐH Harvard (Mỹ) từ lâu. Việc sử dụng bản án trong giảng dạy luật là một phương pháp tốt để hệ thống hóa kiến thức lý luận của người học thông qua các vụ án cụ thể.
Người học sẽ phải giải thích và làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án và tranh luận các vấn đề liên quan đến các nguyên tắc pháp lý. Nhiều trường đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay đã áp dụng phương pháp này và mang lại những hiệu quả thiết thực.
Sinh viên Nguyễn Khánh Linh. Ảnh: MINH CHUNG
Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra những bất cập, khó khăn trong việc sử dụng bản án trong giảng dạy. Chẳng hạn, khó tiếp cận bản án của tòa án các cấp do không phải bản án nào cũng được công khai.
Ngoài ra, công cụ tìm kiếm các bản án trên cổng thông tin điện tử của TAND Tối cao còn thiếu hiệu quả. Việc áp dụng bản án hiện nay còn diễn ra nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào sự cố gắng của từng giảng viên…
Sinh viên Nguyễn Khánh Linh (Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng) đánh giá phương pháp giảng dạy chủ yếu trên slide máy chiếu làm mất đi nhiều tính chủ động, tích cực, sự hứng thú trong học tập của sinh viên. Ngoài ra, nhiều sinh viên còn thụ động, ít có sự phản biện...
Từ đó, nhiều người tham dự hội thảo cho rằng cần tăng cường các lớp đào tạo giảng viên về việc sử dụng bản án để giảng dạy, đào tạo luật và có các cơ chế phù hợp để giúp các giảng viên được thu thập các bản án mới nhất, mang tính thực tiễn cao.
Điều này cần sự phối hợp giữa các trường đại học, các cơ sở đào tạo ngành luật với TAND các cấp. Cạnh đó, cần đổi mới phương thức giảng dạy cũng như phương thức đánh giá học viên. Việc đưa một phần bản án với các tình huống thực tế trong đánh giá học viên luật là cần thiết...