Vì sao thất nghiệp cao nhưng lại ồ ạt xin nghỉ việc?

Tại sự kiện "100 nơi làm việc tốt nhất năm 2021", Anphabe - công ty tư vấn tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc, cho biết đang có hiện tượng nghỉ việc ồ ạt.

Anphabe nhận định có 1 nghịch lý đang diễn ra trong nguồn nhân lực. Đó là dù tỉ lệ thất nghiệp đang cao (chiếm 2,52% nguồn nhân lực) nhưng tỉ lệ nhân viên nghỉ việc cũng vô cùng cao. Cứ 10 người, có tới 6 người đang chủ động tìm kiếm công việc mới.

Các nhà quản lý thắc mắc trong gian đoạn COVID-19 đang được kiểm soát, những tưởng nhân viên vui mừng khi được đi làm lại, nhưng thay vào đó, họ lại quyết định nghỉ việc hàng loạt.

Cụ thể, chỉ số gắn kết tình cảm và gắn kết lý trí, hai yếu tố quan trọng tác động tới nỗ lực tự nguyện và cam kết gắn bó của người đi làm được Anphabe đo lường trên diện rộng đang ở mức thấp nhất trong 6 năm qua. Tỷ lệ nhân viên mong muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp cũng đang thấp nhất, chỉ 46% nguồn nhân lực.

Dù tỉ lệ thất nghiệp đang cao, cơ hội tìm việc mới không dễ, nhưng thực tế đó vẫn khó níu chân những người lao động muốn nghỉ việc. Ảnh minh họa

Anphabe lý giải, nhiều nhóm nguyên nhân liên quan trực tiếp tới đại dịch như biến động ngành nghề, sự mệt mỏi, kiệt sức trong môi trường làm việc căng thẳng và mất cân bằng, hay mất kết nối với đồng nghiệp và mất gắn kết với công ty. “Dù tỉ lệ thất nghiệp đang cao, cơ hội tìm việc mới không dễ, nhưng thực tế đó vẫn khó níu chân những người lao động muốn nghỉ việc”- kết quả đo lường của Anphabe chỉ ra.

Một nguyên nhân khác tác động mạnh mẽ đến làn sóng nghỉ việc ồ ạt sau khi thị trường dần mở cửa là tình trạng nhân viên “siêu nhảy việc” (Jop Hopper) gia tăng sau thời gian dài “án binh bất động” do ảnh hưởng của COVID-19.

Anphabe ghi nhận, nguồn nhân lực Việt Nam hiện có 17% thuộc nhóm siêu nhảy việc, 19% là thuộc nhóm siêu trung thành, còn lại 64% là nhóm tiêu chuẩn. Trong suy nghĩ của người “siêu nhảy việc”, thời gian lý tưởng để gắn kết với một doanh nghiệp khoảng 2 năm, ngắn hơn nhiều so với nhóm tiêu chuẩn là 4,5 năm và nhóm siêu trung thành là 12 năm.

Dự báo, với ảnh hưởng kéo dài của COVID-19, không chỉ nhóm “siêu nhảy việc” mà cả nhóm nhân viên tiêu chuẩn cũng dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, dễ dao động và dứt áo ra đi. Do đó, doanh nghiệp cần có những hoạt động chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần để hỗ trợ nhân viên vượt qua những “chông chênh” trong giai đoạn này cũng như hạn chế thất thoát đáng tiếc cho tổ chức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới