Bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng để định tội danh khi xử lý hình sự (nếu có) người vi phạm, thậm chí nó còn là yếu tố có thể thay đổi hình thức xử lý người vi phạm từ hình sự chuyển sang hành chính.
Nước lõi pin dùng để nhuộm cà phê tại cơ sở bà Loan. Ảnh: Đ.D
Tuy nhiên, đến nay có vẻ thông tin về động cơ, mục đích cho ra lò sản phẩm nói trên của bà Loan đã bắt đầu bị nhiễu loạn.
Mới ba ngày trước (18-4), tại cuộc họp báo do UBND tỉnh chủ trì, Công an tỉnh Đắk Nông từng thông tin bà Loan (chủ cơ sở) khai nhận đã bán khoảng ba tấn phế phẩm cà phê nhuộm lõi pin ra thị trường. Đồng thời, công an cũng thông tin bà này khai nhận tỉnh Bình Phước là thị trường tiêu thụ loại sản phẩm này. Công an không nói rõ là tiêu thụ như thế nào, xong dư luận ngầm hiểu nó được bán ra để người mua pha uống như uống cà phê.
Ấy vậy mà sáng 20-4, tại hội nghị chuyên đề Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm khu vực phía Nam tổ chức ở TP.HCM, ông Nguyễn Văn Chương (Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Đắk Nông) lại thông tin bà Loan khai lòng vòng rằng làm thế để giả hồ tiêu. Đặc biệt, ông Chương còn hé ra chi tiết “khi kiểm tra cơ sở nhà bà Loan, cơ quan chức năng không phát hiện dụng cụ rang, xay cà phê; không phát hiện bao bì cà phê, kể cả sản phẩm cà phê”.
Vậy mục đích bà Loan làm ra sản phẩm này để làm gì? Bà có đưa ra thị trường để người dân mua uống như uống cà phê, hay để nêm nếm thức ăn như nêm tiêu bột, hay chỉ để đó để có cái mà “thế chấp” vay ngân hàng…?
Hy vọng câu hỏi này cùng nhiều tình tiết khác mau chóng được làm rõ nhằm xử lý nghiêm và không làm oan người vi phạm.