Chiều nay (18-4), UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo thông tin về vụ bắt quả tang cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) nhuộm đen cà phê bằng pin Con Ó, trộn lẫn bột đá bán ra thị trường.
Quang cảnh buổi họp báo vụ cà phê nhuộm lõi pin. Ảnh: ĐD
Có đủ căn cứ sẽ xử lý hình sự
Ông Ngô Xuân Lộc - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông và Đại tá Lê Vinh Quy - Phó Giám đốc công an tỉnh chủ trì buổi họp báo.
Đại diện UBND tỉnh thông tin về vụ việc, từ ngày 15 đến 17-4, Phòng Cảnh sát môi trường (PC49, Công an tỉnh Đắk Nông) đã phát hiện cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan có hành vi dùng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước với pin) để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê.
PC49 đã phối hợp với các ban ngành chức năng lập biên bản, niêm phong hơn 21 tấn phế phẩm cà phê gồm cà phê nhân nát vụn, vỏ cà phê đã được ngâm tẩm, nhuộm đen và đóng bao bì. Tại hiện trường còn phát hiện 40 lít dung dịch màu đen, 35 kg pin đập dẹp, 129 kg lõi, nắp và vỏ pin.
Trả lời câu hỏi hành vi của bà Loan đã đủ căn cứ để xử lý hình sự chưa, Đại tá Lê Vinh Quy cho biết hiện Công an tỉnh Đắk Nông đang làm rõ động cơ, mục đích nhuộm đen phế phẩm cà phê bằng pin Con Ó của bà Loan.
Theo Đại tá Quy, ngay sau khi phát hiện sự việc, công an đã mời bà Loan về trụ sở làm việc nhưng bà Loan hết sức ngoan cố, khai báo quanh co.
“Hành vi của bà Loan là dùng pin, đập lõi than và pha trộn vào nước để ngâm với phế phẩm cà phê thì đã rõ nhưng công an tỉnh đang điều tra mục đích làm việc này của bà Loan” - ông Quy cho hay.
Ông Quy cho biết: Căn cứ vào tài liệu thu thập được, đến thời điểm này chưa thể khẳng định được bà Loan sản xuất cà phê bẩn. Hiện công an tỉnh đang điều tra việc bà Loan có sử dụng phế phẩm này để sản xuất cà phê bột hay không. Đơn vị đã đem vật chứng đi kiểm nghiệm để xác định hợp chất bà Loan dùng để nhuộm phế phẩm cà phê.
"Nếu xác định bà Loan dùng cà phê này để chế biến thực phẩm thì có đủ cơ sở để truy cứu hình sự về hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015" - ông Quy thông tin.
Còn theo ông Ngô Xuân Lộc, nếu thực sự bán cà phê nhuộm pin ra thị trường làm thực phẩm cho con người thì phải xử lý hình sự. Đây là hành vi ghê gớm, coi thường sức khỏe và tính mạng con người quá rõ.
Nước lõi pin để nhuộm cà phê. Ảnh: ĐD
Bán về Bình Phước và còn đâu nữa?
Ông Quy còn cho biết phía công an đang tập trung đấu tranh xem các sản phẩm sau chế biến được đưa đi đâu và bước đầu xác định bà Loan tiêu thụ các sản phẩm này ở tỉnh Bình Phước.
Cũng theo ông Quy, về mặt hồ sơ, bà Loan có đăng ký kinh doanh thu mua nông sản.
Thượng tá Nguyễn Tường Vũ, Trưởng Công an huyện Đắk R'lấp, cho biết từ trước đến nay công an huyện chưa xử lý hành vi vi phạm nào từ cơ sở của bà Loan.
Ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp, nói: Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của huyện thường xuyên kiểm tra và chưa phát hiện vi phạm của cơ sở này trước đây. Về nghĩa vụ thuế, bà Loan đăng ký kinh doanh lần đầu vào ngày 19-8-2016 về ngành nghề thu mua nông sản. Bà Loan có đóng thuế môn bài và các nghĩa vụ thuế khác trong sản xuất, kinh doanh.
Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông) cho biết cơ sở của bà Loan dùng đá, vỏ cà phê, phế phẩm trộn với pin là có thật. Nhưng hành vi trộn cà phê để làm gì thì phải đợi Công an tỉnh Đắk Nông đấu tranh làm rõ.
“Nếu bà Loan khai nhận sử dụng sản phẩm trên chế biến để làm đồ uống thì chúng tôi sẽ gửi mẫu đi kiểm định an toàn thực phẩm, xác định hàm lượng cafein và chất độc hại trong đó. Còn trường hợp bà Loan khai sử dụng làm phân bón vi sinh hoặc phân bón giả thì đơn vị sẽ kiểm tra hàm lượng N-P-K trong sản phẩm phân bón đó” - lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản cho hay.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 15-4, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Đắk Nông) phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh kiểm tra và phát hiện cơ sở thu mua nông sản của bà Loan chứa hàng chục tấn cà phê phế phẩm được nhuộm đen bằng pin Con Ó. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng xác định có hơn 20 tấn sản phẩm được đóng thành bao 50-70 kg/bao không có nhãn mác, thương hiệu.
Chủ cơ sở cho biết đã mua cà phê vụn, thải loại, vỏ cà phê xay trộn với bột đá rồi ngâm qua nước bột pin. Tất cả nguyên liệu này được cho vào một máy trộn bê tông để tạo màu, sau đó đem sấy, đóng bao bán ra thị trường.
Chủ cơ sở khai từ đầu năm 2018 tới nay đã tiêu thụ được khoảng 3 tấn.