Thực phẩm hữu cơ bao gồm các loại sản phẩm từ cây trồng (rau, củ, quả…)
Thực phẩm hữu cơ là thực phẩm được sản xuất theo phương thức canh tác hữu cơ được chăm sóc và kiểm soát nghiêm ngặt về việc không sử dụng thuốc trừ sâu hay hóa chất. Được sản xuất theo phương thức sạch và đảm bảo, bao gói nhãn mác công bố thông tin chất lượng sản phẩm rõ ràng nên nhanh chóng trở thành “cơn sốt” của thị trường.
Mới ra mắt thị trường vài năm trở lại đây nhưng thực phẩm hữu cơ đã nhanh chóng chiếm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Với sự xuất hiện của nhiều các loại thực phẩm bẩn, nhiễm hóa chất gây ngộ độc thực phẩm hàng loạt khiến cho các loại rau, thịt hữu cơ càng trở nên “có giá”.
Thực phẩm hữu cơ bao gồm các loại sản phẩm từ cây trồng (rau, củ, quả…) và các sản phẩm từ vật nuôi (thịt, trứng, sữa). Từ hai loại thực phẩm cơ bản này người ta có thể sản xuất ra các loại thực phẩm hữu cơ khác như nước ép trái cây, snack, phô mai …
Các nhà khoa học đã thống kê rằng thực phẩm hữu cơ mang lại nhiều chất dinh dưỡng hơn. Nghiên cứu của Washington State University vào 19-4-2001 cho thấy trái táo hữu cơ chắc hơn và nhiều đường thiên nhiên hơn táo bón bằng hóa chất; nghiên cứu công bố trên Journal of Applied Nuitrition, 1993, cho thấy trái táo, lê, khoai tây có gấp đôi số chất dinh dưỡng của trái cây nuôi bằng hóa chất; nghiên cứu ở Đức cho hay thực vật hữu cơ có ít nitrate hơn.
Đó chính là lý do vì sao người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm hữu cơ đều nhận xét rằng sản phẩm này ăn ngon hơn và có vị đậm đà hơn các sản phẩm cùng loại được sản xuất đại trà thông thường.
Thực phẩm hữu cơ được sản xuất theo phương thức sạch và đảm bảo, bao gói nhãn mác
Các loại rau quả hữu cơ được sản xuất theo đúng quy trình sẽ mang lại giá trị dinh dưỡng cao, độ ngon ngọt nhất định. Nhờ vậy, các sản phẩm này tạo dựng được niềm tin đối với người dùng.
Trên thị trường hiện nay đang có hai loại thực phẩm hữu cơ, đó là thực phẩm canh tác theo phương thức hữu cơ và thực phẩm hữu cơ có giấy chứng nhận. Cụ thể là thực phẩm hữu cơ có giấy chứng nhận là loại thực phẩm một số tổ chức có thẩm quyền quốc tế như: Ecocert (EU), IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác hữu cơ), USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) đánh giá và cấp chứng nhận. Còn thực phẩm canh tác theo phương thức hữu cơ là làm theo các tiêu chuẩn của các tổ chức nói trên nhưng chưa có chứng nhận.
Ở thị trường Việt Nam có thực phẩm được gọi là thực phẩm sạch, có giấy chứng nhận khi đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhưng đây không phải là các sản phẩm hữu cơ mà là các sản phẩm được sản xuất ra có sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ hóa học… nhưng có kiểm soát về hàm lượng an toàn cho phép.
Các loại thực phẩm được gắn mác “hữu cơ” đều được người dùng cho là sạch, là đảm bảo. Chính vì vậy mà thực phẩm hữu cơ nhanh chóng trở thành xu thế hot của người tiêu dùng Việt. Các sản phẩm hữu cơ chủ yếu được bày bán là các loại rau củ, gạo, thịt, cá… thậm chí là các loại hạt. Từ khi các thực phẩm hữu cơ trở nên hot thì kéo theo nó là hàng loạt các sản phẩm được làm từ thực phẩm hữu cơ như: phô mai, snack, sữa, tinh dầu dừa…