Thịt heo giả thịt bò
Phát hiện các trường hợp giả thịt bò
Thời gian gần đây theo các nguồn thông tin trên báo chí, ở một số địa phương hiện tượng thịt heo làm giả thành thịt bò được bày bán ở nhiều gian hàng trong đó có một vài địa phương phía Bắc. Những miếng thịt đỏ tươi, được để cùng với da bò, gân bò khiến người tiêu dùng không có sự nghi ngờ nào về sản phẩm mình mua.
Chỉ khi mang những miếng thịt “tươi ngon” ấy về nhà chế biến thì mới phát hiện được sự bất thường. Nếu bỏ miếng “thịt bò” này vào nước thì người sử dụng sẽ dễ dàng nhận ra nước rửa miếng thịt đổi màu bất thường. Miếng thịt được khẳng định là thịt bò đã nhanh chóng chuyển màu trắng nhạt, mùi hôi đặc trưng của thịt bò cũng biến mất.
Tiếp sau đó, lực lượng chức năng ở khu vực TP.HCM tiếp tục phát hiện vụ việc thịt heo nái được ngâm tẩm hóa chất thành thịt bò tại một công ty ở quận 3. Khi kiểm tra cơ sở này thì phát hiện công nhân ngâm tẩm hóa chất, huyết bò và nước để phù phép thịt heo nái thành thịt bò tung ra thị trường tiêu thụ. Lực lượng kiểm tra phát hiện có hơn 2 tấn thịt heo nái không rõ nguồn gốc xuất xứ kiểm dịch được chuyển từ Đồng Nai về đang ở trong các kho lạnh, tủ đá, trong đó hơn 100 kg đang ngâm hóa chất, 750 kg đã được "hô biến" thành thịt bò về ngâm hóa chất metabisulfite mua tại chợ Kim Biên, trộn với huyết bò cho ra thành phẩm giống như thịt bò.
Làm giả thịt bò xử lý như thế nào?
Luật sư Dương Văn Mai, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết: “Đối với hành vi dùng thịt heo, hóa chất để làm giả thịt bò và cung cấp ra thị trường là hành vi vi phạm pháp luật. Trong thời gian qua cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện rất nhiều sai phạm tuy nhiên do lợi nhuận mà hành vi vi phạm này mang lại quá lớn nên nhiều cơ sở và tiểu thương vẫn bất chấp vi phạm bỏ mặc sức khỏe của người tiêu dùng”.
Khi kiểm tra, phát hiện có hành vi dùng thịt heo và hóa chất để làm giả thịt bò nếu ở mức độ nhẹ thì người vi phạm sẽ xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm với mức phạt từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, đình chỉ sản xuất và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Nếu vi phạm ở mức độ nặng gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng có thể bị xử lý hình sự đối với cả cơ sở chế biến và tiểu thương ở chợ với mức phạt tù bị từ một năm đến 15 năm kèm theo hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Nếu vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng thì hình phạt tù của người vi phạm có thể lên đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh theo Điều 157 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 (BLHS) và tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Điều 244 BLHS.