Với mạng lưới bác sĩ chuyên khoa về bệnh tiểu đường hãy còn quá mỏng, với chiến dịch truyền thông y học tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn là giọt nước bỏ bể, không lạ gì nếu bệnh tiểu đường đang và sẽ tiếp tục là mối đe dọa cho hàng triệu người đã bệnh và hàng chục triệu người hoặc chưa biết bệnh, hoặc sẽ bệnh.
Uống đúng thuốc nhưng gần như không
Chuyện nào đã xong! Không nói chi đến số bệnh nhân đã phát hiện bệnh nhưng vẫn tránh né chuyện điều trị, nghịch lý chính ở điểm nhiều bệnh nhân tuy đã được điều trị trong thời gian dài nhưng lượng đường trong máu vẫn chưa ổn định. Một trong các lý do thường gặp là vì cả hai, cả bệnh nhân lẫn thầy thuốc có cùng định kiến là muốn cầm chân căn bệnh ác nghiệt này chỉ cần tác dụng hời hợt của viên thuốc hạ đường huyết. Trục trặc chính vì không mấy ai hiểu đúng về điều kiện cần thiết để dược phẩm hạ đường huyết có thể triển khai tác dụng như mong muốn. Bệnh tiểu đường vì thế dễ có biến chứng vì bệnh không hề chịu đứng yên một chỗ một khi thuốc chưa gãi đúng chỗ ngứa.
Nửa giờ ngủ trưa, 15 phút thiền định buổi sáng và buổi tối chính là phương tiện không tốn tiền để thuốc hạ đường huyết phát huy tác dụng.
Chuyện gì cũng có lý do
Thuốc trị tiểu đường, loại nào cũng thế, phải có tác dụng hạ đường huyết. Nhưng nếu đơn giản như thế thì may biết mấy cho người lỡ bị tiểu đường. Theo kết quả nghiên cứu của chuyên gia bệnh nội tiết ở ĐH Heidelberg, CHLB Đức, tác dụng của thuốc một mặt không có tính tự động và mặt khác rất dễ bị giới hạn trong một số trường hợp như:
• Rối loạn biến dưỡng: Tăng mỡ máu rồi xơ vữa mạch máu do phản ứng sai lầm của cơ thể trước tình trạng đường huyết tăng cao là hệ quả hầu như tất yếu trong bệnh tiểu đường. Tùy theo tiến độ của khâu này mà biến chứng của bệnh tiểu đường xuất hiện sớm hay muộn. Do đó thầy thuốc có kinh nghiệm với căn bệnh này không chỉ dựa vào lượng đường huyết mà đồng thời căn cứ trên hàm lượng chất mỡ trong máu để đánh giá hiệu năng của liệu pháp. Chữa bệnh tiểu đường mà chất mỡ trong máu cứ tăng cao thì khỏi thử cũng biết lượng đường trong máu như thế nào.Tình trạng tăng mỡ máu, cụ thể là triglyceride và LDL-Cholesterin, cũng là lý do khiến nhiều thuốc hạ đường huyết có tác dụng chẳng khác nào “nước đổ đầu vịt”. Điều này góp phần xác minh kết quả nghiên cứu ở Đan Mạch, theo đó người có chế độ dinh dưỡng thiếu hụt rau trái lại thêm không có cá biển (như cá thu, cá mòi) trên bàn ăn tối thiểu ba lần trong tuần là người thường phải thất vọng với tác dụng mong đợi của thuốc hạ đường huyết. Đó cũng là lời giải thích tại sao thuốc mất tác dụng ở người béo phì ít vận động. Lao động chân tay đến đổ mồ hôi hột chính là biện pháp hỗ trợ cho thuốc của người biết cách dùng thuốc cho đáng đồng tiền!
• Nghiện thuốc lá: Thống kê thực hiện ở Phần Lan cho thấy 2/3 số bệnh nhân tiểu đường tuy dùng thuốc đều đặn và theo đúng y lệnh nhưng vẫn không ổn định được lượng đường trong máu là người hút thuốc. Không có gì khó hiểu khi các loại thuốc hạ đường huyết, theo công trình nghiên cứu ở Anh, có thể mất đến 70% tác dụng trong cơ thể người nghiện thuốc lá. Không chỉ thế, thời gian khởi động của thuốc đặc hiệu kéo dài đến gấp đôi khi gặp cơ tạng tẩm... thuốc lá! Lượng đường trong máu của người bệnh tiểu đường không bỏ được thuốc lá vì thế rất khó ổn định với liều lượng thuốc thông thường. Không lạ gì khi tỉ lệ nhồi máu cơ tim do vướng bệnh tiểu đường lại thêm tật hút thuốc cao gấp 4-8 lần số người nói không với thuốc lá! Theo nhiều nhà nghiên cứu, thuốc hạ đường huyết mất tác dụng không chỉ vì cơ thể người hút thuốc thường thiếu hụt nhiều loại sinh và khoáng tố cần thiết cho phản ứng biến dưỡng thuốc tiểu đường. Chính hỗn hợp chất độc từ 4.000 hóa chất trong khói thuốc lá là lý do làm tà mũi nhọn của thuốc hạ đường huyết, vì vừa là gánh nặng của các cơ quan biến dưỡng, vừa là nguyên nhân khiến dòng máu trở nên đậm đặc. Càng đốt nhiều điếu hiệu năng thuốc hạ đường huyết càng dễ tan theo khói thuốc.
• Căng thẳng tinh thần: Theo kết quả được báo cáo tại Interheart, hội nghị tim mạch định kỳ ở châu Âu, tỉ lệ biến chứng của bệnh tiểu đường ở người thường xuyên phải sống trong cảnh dầu sôi lửa bỏng cao gấp ba lần nếu so với người tuy cũng tiểu đường nhưng giữ được nếp sống thảnh thơi. Không cần dông dài ai cũng hiểu lượng đường trong máu làm sao ổn định khi chính nội tiết tố chống stress của tuyến thượng thận có tác dụng làm tăng đường huyết?! Càng căng thẳng đường huyết càng tăng cao. Thuốc hạ đường huyết nào làm tròn chức năng cho nổi khi chính cơ thể người bệnh không ngừng cung ứng chất đường vì gia chủ stress quá đi thôi! Ngược lại, thống kê trên hàng ngàn bệnh nhân ở Phần Lan cho thấy thuốc hạ đường huyết giữ được tác dụng lâu hơn ở người biết cách tạo điều kiện thư giãn cho cơ thể. Nửa giờ ngủ trưa, 15 phút thiền định buổi sáng và buổi tối, theo nhiều công trình nghiên cứu chính là phương tiện không tốn tiền để lượng thuốc hạ đường huyết trước đó không mấy hiệu quả bỗng trở thành hữu dụng. Không phải lúc nào cũng cần tăng “đô” thuốc mới có tác dụng.