Theo số liệu của UBND TP Hạ Long, năm 2017, số tàu bán hàng rong trên vịnh bị thiêu hủy khoảng 40 chiếc. Chỉ trong tám tháng đầu năm 2018, số tàu bị thiêu hủy lên đến 50 chiếc.
“Tàu bán hàng rong làm xấu Hạ Long”
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết trong sáu tháng đầu năm 2018 có 2,15 triệu du khách tham quan vịnh Hạ Long, trong đó 1,45 triệu là người nước ngoài. Tình trạng các tàu thuyền bán hàng rong bám theo tàu chở khách du lịch để chào mời khách mua hàng diễn ra thường xuyên. Không ít lần du khách than phiền bị thuyền bán hàng rong ép mua hàng với giá cao. Thậm chí có trường hợp du khách đưa tiền mệnh giá lớn nhưng chủ thuyền không trả lại tiền thừa mà nổ máy bỏ chạy.
Vì vậy, từ năm 2017 tỉnh Quảng Ninh có chủ trương kiên quyết dẹp bỏ tệ nạn trên bằng cách tịch thu và thiêu hủy tàu thuyền vi phạm. “Việc làm này cần được TP Hạ Long thực hiện quyết liệt để giữ gìn hình ảnh đẹp của TP trong mắt du khách” - ông Huy khẳng định.
Tại sao tỉnh không thanh lý số tàu vi phạm mà lại thiêu hủy? Ông Huy giải thích: Phần lớn tàu thuyền bị bắt giữ đều không có giấy tờ. Khi bị lực lượng chức năng vây bắt, không ít chủ tàu thuyền vi phạm tuyên bố nếu thu giữ tàu này họ sẽ mua tàu khác. Mặt khác, loại tàu này rất nhỏ, người dân làng chài sẽ không mua để sử dụng. Nếu thanh lý thì chỉ có những người bán hàng rong trên vịnh mua lại và họ sẽ tái phạm.
“Hầu hết chủ tàu vi phạm không đến nhận, dù lực lượng chức năng đã ra thông báo mời chủ sở hữu đến làm việc trong vòng 15 ngày trước khi tiến hành thiêu hủy. Thông báo này được đăng trên cổng thông tin điện tử của TP và của tỉnh. Đồng thời đăng tin trên truyền hình TP và phát sóng mỗi ngày trong 15 ngày kể từ khi ra thông báo” - ông Huy nói thêm.
Những chiếc tàu để quá 15 ngày sẽ bị cơ quan chức năng tiến hành thiêu hủy. Ảnh: CÙ HIỀN
UBND TP Hạ Long có làm đúng luật?
Theo luật sư (LS) Đặng Văn Cường (Đoàn LS TP Hà Nội), cách xử lý của Quảng Ninh là chưa ổn. bởi đối với việc xử lý tang vật, phương tiện hết thời hạn bị tạm giữ thì Điều 17 Nghị định 115/2013 quy định: Nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ít nhất hai lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện. Đồng thời niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật.
Cụ thể, LS Nguyễn Hồng Thái (Đoàn LS TP Hà Nội) cho biết theo Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì tàu của những người bán hàng rong không thuộc trường hợp phải nộp vào ngân sách nhà nước, cũng không thuộc trường hợp phải chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý… Do đó, cơ quan có thẩm quyền phải thuê tổ chức bán đấu giá để thực hiện việc bán đấu giá. Trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá, chứ không được phép tiêu hủy.
Như vậy, “chỉ sau 15 ngày hoàn tất thủ tục và thông báo trên các phương tiện truyền thông, TP Hạ Long đã ra quyết định tiêu hủy là không đúng với quy định của pháp luật” - LS Thái nói.