Đã nhiều lần máy bay chiến đấu Trung - Nhật suýt "đâm vào nhau" trên biển Hoa Đông. (Ảnh minh họa) |
Hẳn nhiều người chưa thể quên những lần chiến đấu cơ Trung Quốc đối đầu với tiêm kích Nhật Bản trong một khoảng cách “đường tơ, kẽ tóc” ngay trên bầu trời biển Hoa Đông. Những pha đối đầu thót tim này có lẽ chỉ có Trung Quốc mới dám làm bởi nó hoàn toàn có thể dẫn đến một vụ va chạm thảm khốc và hậu quả là một cuộc đối đầu quân sự giữa hai nước. Theo thông thường, hành động của Trung Quốc hoàn toàn có thể bị coi là hành động cố ý khiêu khích chiến tranh.
Nhưng Nhật Bản không phải là nước duy nhất bị Trung Quốc “khinh thường” đến như vậy. Hồi cuối tháng 12/2013, một tàu chiến Trung Quốc đã cố tình chạy “cắt mặt” chiến hạm USS Cowpens của Mỹ trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông. Thuyền trưởng tàu USS Cowpens đã phải bẻ lái hết cỡ để tránh một cuộc đụng độ gây tổn thất nặng. Sau sự cố này, Bắc Kinh thậm chí đã không nhận lỗi mà còn lớn tiếng vu cáo tàu chiến Mỹ “quấy rối” tàu Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, tàu Trung Quốc không mang vũ khí đã khá nhiều lần nhằm thẳng tàu hải quân Mỹ để đâm va hoặc tạo sự cố đâm va trong vùng biển quốc tế ngoài khơi, nhưng đây là vụ việc đầu tiên liên quan đến hai tàu chiến vũ trang.
Trước đó vào đầu năm 2013, tàu chiến Trung Quốc sử dụng hệ thống radar điều khiển vũ khí để "khóa mục tiêu" một tàu khu trục và một máy bay trực thăng của Nhật Bản. Trong các cuộc đối đầu giữa 2 quân đội đang có “hiềm khích” thì không có hành động khơi mào chiến tranh nào được thể hiện rõ ràng hơn hành động này.
Nhưng, sau tất cả những sự cố này, chiến tranh đã không xảy ra mà nguyên nhân chính vẫn là sự kiên nhẫn của những quốc gia bị Trung Quốc khiêu khích. Nếu không cho sự điềm tĩnh của phi công Nhật Bản, kinh nghiệm của thuyền trưởng người Mỹ, và sự tự tin của chỉ huy lực lượng hải quân Nhật Bản, một trong các sự cố có thể đã kết thúc rất khác.
Tàu chiến USS Cowpens (Mỹ) |
Rõ ràng là các lực lượng của Trung Quốc hành động không hề bất cẩn, thậm chí họ còn cố tình làm như vậy. Thực tế cho thấy, các sĩ quan quân đội Trung Quốc đang lặp đi lặp lại những hành vi tương tự với tần suất ngày càng nhiều hơn.
Theo phân tích của các nhà quan sát quốc tế, các hành động kiểu này là một phần trong chiến lược từng bước thể hiện sức mạnh và giành quyền kiểm soát trong các vùng biển gần của Trung Quốc. Nhưng quan trọng hơn cả, nó cho thấy Bắc Kinh đã rất khôn và hiểu rõ đối thủ khi làm như vậy.
Đầu tiên, Trung Quốc cho rằng các đối thủ của mình luôn biết kiên nhẫn và kiềm chế hơn họ để tránh “những tai nạn chết người” hay nói cách khác Trung Quốc cho rằng các đối thủ của mình không muốn nổ ra xung đột vũ trang. Thêm vào đó, Trung Quốc biết chắc rằng quân đội Nhật Bản và Mỹ, do đã được đào tạo và kinh nghiệm của họ, có khả năng tự kiềm chế rất lớn khi phải đối mặt với những lần “trêu chọc” của Trung Quốc.
Nhưng đây là những giả định vô cùng nguy hiểm. Đến nay, Senkaku chưa phải là mối đe dọa sống còn đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nhật Bản nhưng trong tương lai điều đó hoàn toàn có thể thay đổi mà không được báo trước. Và trong khi các thông điệp và sự cam kết của Washington đối với khu vực vẫn đang khá “lẫn lộn” thì rất có thể đến một lúc nào đó, Hoa Kỳ sẽ buộc phải hành động mạnh hơn khi họ nhận thấy trật tự mà họ đã dày công thiết lập ở châu Á – Thái Bình Dương từ hàng nhiều thập kỷ qua có nguy cơ bị Bắc Kinh phá vỡ hay làm đảo lộn.
Theo bình luận của tờ The Diplomat, cũng có thể xung đột vũ trang chưa nổ ra sau tất cả những màn khiêu khích này của Trung Quốc là do các nhà lãnh đạo ở Tokyo và Washington “quý trọng sinh mạng binh lính và con người hơn Trung Quốc”. Có điều, dù cả Nhật Bản hay Hoa Kỳ đều không muốn thấy một “tai nạn” hoặc một cuộc chiến tranh nổ ra ở châu Á, thì họ cũng đều không thể cho phép Trung Quốc muốn làm gì thì làm.
Hơn nữa, trong khi sự thật là các thành viên của quân đội Mỹ và Nhật Bản được đào tạo tốt và rất có kỷ luật, họ cũng là những con người có thể có những hành động không dự đoán được trong tình huống căng thẳng. Là những người lính chuyên nghiệp, rất có thể viên thuyền trưởng tàu khu trục của Nhật Bản sẽ lựa chọn giải pháp “tiên hạ thủ vi cường” bằng cách tấn công đáp trả hay thậm chí là nổ súng trước để bảo vệ thủy thủ đoàn khi phát hiện tàu của mình bị “khóa mục tiêu trên radar” của đối phương (hành động cho thấy đối phương chuẩn bị khai hỏa nhằm vào mình).
“Trung Quốc đang cố tình sử dụng lực lượng được thiết kế riêng để tạo ra một cuộc đụng độ hay sự cố có thể dẫn đến chiến tranh với tính toán rằng đối phương sẽ phải nhượng bộ.
Bắc Kinh đang đánh đu với số phận. Liệu Tập Cận Bình có nhận ra điều này là một sự điên rồ trước khi vận may của Trung Quốc chấm dứt hay không?” – tờ The Diplomat đặt câu hỏi.
Theo Lương Minh/Infonet