Vì sao tỷ lệ cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá thấp?

(PLO)- ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng tỷ lệ cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá đạt thấp có nguy cơ làm thất thoát tài nguyên của quốc gia, khiến ngân sách nhà nước thất thu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam


Chiều ngày 28-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật địa chất và khoáng sản. Tại phiên thảo luận, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) dẫn số liệu cho thấy trong 10 năm qua trong số 441 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT cấp chỉ có 10 giấy phép được cấp thông qua đấu giá, chiếm 2,2%.

Trong số 5.200 giấy phép khai thác khoáng sản do địa phương cấp, chỉ có 827 giấy phép được cấp thông qua đấu giá chiếm 16%.

“Như vậy nhận định chung thì tỷ lệ cấp phép xin, cho vẫn rất cao” – ĐB Trương Trọng Nghĩa nói và cho hay với những bất cập trong xác định giá khởi điểm khi đấu giá quyền khai thác khoáng sản hiện nay thì nguy cơ thất thoát tài nguyên quốc gia, khiến ngân sách thất thu là rất cao.

Đại biểu quốc hội lo tỷ lệ cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá đạt thấp có nguy cơ thất thoát ngân sách
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng tỷ lệ cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá đạt thấp có nguy cơ làm thất thoát tài nguyên của quốc gia, khiến ngân sách nhà nước thất thu.

Thậm chí theo ông Nghĩa, nếu quy định về tính giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản thiết kế trong dự luật (điều 106) hiện nay cũng chưa khắc phục, chưa lấp được lỗ hổng gây nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước này.

“Do đó, vấn đề đấu giá cái gì, không đấu giá cái gì, đấu giá như thế nào, tôi cho rằng tới đây cần phải được bổ sung, bổ túc rất nhiều” – ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Làm rõ hơn ý kiến các ĐBQH nêu về đấu thầu, đấu giá khoáng sản, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh khẳng định quan điểm làm luật là phải “sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia, đảm bảo an ninh quốc gia, chiến lược về khoáng sản quốc gia, an ninh năng lượng quốc gia…”

“Ví dụ có một vài loại khoáng sản chúng ta phải để cho các tập đoàn nhà nước khai thác như than, bô xít và điều này để Chính phủ quy định. Tuy nhiên, tôi thống nhất với các đại biểu, sẽ rà soát lại các nội dung của Nghị định 158 (năm 2016), những nội dung nào đảm bảo vì lợi ích quốc gia, Chính phủ sẽ quy định. Còn lại, sẽ để đấu giá nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả nhất, tạo nguồn thu cao nhất” – ông Khánh nhấn mạnh.

dang-quoc-khanh.jpg
Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh.

Về việc để doanh nghiệp thăm dò trữ lượng khoáng sản, ông Khánh giải thích do ngân sách nhà nước eo hẹp nên phải sử dụng nguồn xã hội hoá, nguồn từ doanh nghiệp. Theo đó, ông Khánh ủng hộ ý kiến của các đại biểu nêu là nhà nước nên bố trí ngân sách cho công tác thăm dò, sau đó phân loại khoáng sản để tiến hành đầu giá.

“Như vậy sẽ đảm bảo được sự công khai, minh bạch, có được các doanh nghiệp có năng lực, có khoa học công nghệ tham gia” – ông Khánh nói.

Bộ trưởng TN&MT cũng khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc, tiếp thu để chỉnh lý dự thảo luật đặc biệt là đối với nội dung định giá quyền khai thác khoáng sản, dự trữ khoáng sản, thu hồi khoáng sản, trách nhiệm của các tổ chức có liên quan đến việc khai thác khoáng sản, cấp quyền khai thác khoáng sản…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm