Đại biểu Trần Hữu Hậu: Khoáng sản là mỡ trước miệng mèo, phải đậy kỹ, khoá chặt

(PLO)- ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh), nhấn mạnh khoáng sản là mỡ trước miệng mèo, nếu không đậy kỹ, khoá chặt sẽ bị… thất thoát.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều ngày 28-6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

Phát biểu thảo luận, ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho hay báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010 cho tỷ lệ cấp phép khai thác thông qua đấu giá là rất thấp.

Cấp phép khai thác khoáng sản qua đấu giá thấp

“Trả lời chất vấn của tôi ngày 4-6, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết tỷ lệ đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản thấp là vì Bộ thực hiện theo Nghị định 158/2016, theo đó quy định 7 trường hợp không đấu giá và Bộ trưởng cho biết: “Sẽ thực hiện tối đa việc đấu giá quyền khai thác khoảng sản”"- ĐB Hậu nói.

Tuy nhiên, theo ông đến nay điều 104 (dự thảo luật) quy định về nội dung này phần lớn lấy lại nội dung của Nghị định 158/2016 (với 3/7 nội dung), giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết.

“Nếu không có sự thay đổi căn bản các quy định tại Nghị định 158 thì Bộ TN&MT và các địa phương sẽ khó mà chuyển mạnh sang “Đấu giá quyền khai thác khoáng sản” hoặc có hình thức thực hiện phù hợp nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoảng sản của quốc gia”– ĐB Hậu nói.

ĐB Hậu dẫn quy định hiện hành là “Các khu vực khoáng sản đã được cấp giấy phép thăm dò hoặc giấy phép khai thác khoáng sản” sẽ không phải “đấu giá quyền khai thác” và cho rằng quy định như vậy là “có lý, có tình, có trước, có sau”, nhất là trong điều kiện thăm dò khoáng sản hết sức khó khăn trước đây.

ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nhấn mạnh khoáng sản là miếng mỡ ngon đặt trước miệng mèo, nếu không đậy kỹ, khoá chặt sẽ bị… thất thoát.
ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nhấn mạnh khoáng sản là mỡ trước miệng mèo, nếu không đậy kỹ, khoá chặt sẽ bị… thất thoát.

Tuy nhiên, trả lời chất vấn về việc này, Bộ trưởng TN&MT cho biết: “Có thể đưa ra đấu giá khi xác định doanh nghiệp không thể thực hiện tổ chức khai thác”.

Theo ĐB Hậu, đối với các trường hợp này thì có nhiều tình huống cần được lưu ý và quy định chặt chẽ để tránh tiêu cực. Cụ thể như doanh nghiệp không tự triển khai các dự án khai thác nhưng có thể dùng quyền khai thác để liên doanh, liên kết, góp vốn đầu tư với doanh nghiệp khác để triển khai khai thác.

“Theo tôi đây là cách làm đúng, mở hướng ra cho doanh nghiệp và huy động được nguồn lực xã hội vào khai thác, chế biến khoảng sản” – ông nói và cho hay trong trường hợp này doanh nghiệp khác sẽ không cần đấu giá vẫn đương nhiên được khai thác.

Khoáng sản là mỡ trước miệng mèo...

ĐB Hậu cũng đề nghị cần phải định giá quyền khai thác khoáng sản khi đưa vào góp vốn để tránh thất thoát tài sản của nhà nước. Thực tế cho thấy việc định giá tài sản, định giá quyền sử dụng để đưa vào góp vốn mặc dù đã có những quy định cụ thể nhưng vẫn xảy ra nhiều vi phạm và không ít cán bộ các cấp bị kỷ luật, bị vào vòng lao lý.

Do đó, việc định giá quyền khai thác khoáng là rất cần thiết nhưng khá phức tạp, cần được nghiên cứu và quy định chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch trong luật phục vụ cho các hoạt động liên quan.

“Vì vậy, dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản cần bổ sung 1 điều về định giá quyền khai thác khoáng sản”- ĐB đề nghị.

Ông cũng nhấn mạnh khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không thể tái tạo, bồi đắp, đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đóng góp tương xứng với giá trị của nó vào ngân sách nhà nước, góp phần vào sự phát triển đất nước.

Khoáng sản là mỡ trước miệng mèo. Ta không thể tăng cường dạy dỗ, nhắc nhở mèo rằng: Phải giữ gìn phẩm chất đạo đức, không được ăn vụng vì đó là thức ăn của chủ… mà cần phải đậy kỹ, khóa chặt. Nếu không gần như chắc chắn sẽ phải đuổi, phải đánh, phải nhốt mèo lại, thậm chí xử trảm mèo; làm mất đi những con mèo giỏi bắt chuột vốn là chức năng thiên bẩm của chúng”- ĐB Hậu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm