Như truyền thống hoạt động chất vấn tại Quốc hội, phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội giữa năm này được chốt lại bằng việc lãnh đạo Chính phủ đăng đàn làm rõ một số vấn đề mà ĐBQH quan tâm, cũng như trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu.
Sau khi nghe Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà báo cáo, giải trình thêm một số nội dung đã được đề cập trong phiên chất vấn hai ngày rưỡi, ĐBQH Dương Khắc Mai đã bấm nút đăng ký tranh luận.
Nội dung mà ĐB Mai đề cập liên quan đến công tác quản lý khoáng sản, là lĩnh vực mà Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chịu trách nhiệm khi còn là Bộ trưởng TN&MT.
Theo ĐB Mai, Luật Khoáng sản đang được Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo quy trình hai kỳ họp. Kỳ họp thứ 7 này là bước đầu tiên, và phải kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới mới có thể thông qua. Theo dự thảo, phải 1-7-2025 luật này mới có hiệu lực.
"Trong thời gian đó thì các khó khăn trong vấn đề khoáng sản sẽ chồng chất, bủa vây các địa phương. Vậy theo Phó Thủ tướng, Chính phủ có nên trình Quốc hội giải pháp cấp bách, kịp thời hơn để xử lý các vướng mắc về hoạt động khoáng sản, vật liệu xây dựng trong 1 năm tới, trước khi luật có hiệu lực?” – ĐB Mai chất vấn.
Theo ĐB đến từ tỉnh Đắk Nông, hàng nghìn công trình, dự án lớn nhỏ, trong đó có cả dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia với số vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng gặp khó khăn, không giải ngân được, bị đóng băng một phần do vướng các quy định về quản lý khoáng sản.
“Điều này gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân ở các địa phương. Chúng tôi mong Chính phủ quan tâm xử lý rốt ráo vấn đề này, có biện pháp giải quyết khó khăn cho địa phương thực hiện nhiệm vụ” – ông Mai đề nghị.
Trả lời nội dung này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng các hoạt động điều tra, thăm dò, đánh giá, cấp phép khai thác khoáng sản đều đã được pháp luật về khoáng sản hiện hành đã quy định cụ thể.
Câu chuyện còn lại là nằm ở cải cách thủ tục hành chính, là tổ chức thi hành pháp luật. "Đây là thẩm quyền của địa phương. Hoàn toàn có thể cắt giảm, rút ngắn thủ tục được. Nếu thực hiện được chúng ta có thể giảm thời gian từ 4-5 lần” – đăng đàn phiên chất vấn theo ủy quyền của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu ý kiến.
Ngoài ra, ông Hà cho rằng những vướng mắc, bất cập còn xuất phát từ năng lực của các nhà đầu tư, các chủ dự án. Nhu cầu vật liệu san lập, vật liệu xây dựng bao nhiêu, tiến độ thế nào cho thực tế, khả thi, thì đó là trách nhiệm của doanh nghiệp, của cơ quan cấp vốn.
“Như vậy chúng ta phải cải thiện hai vấn đề. Một là cách thức chỉ đạo, triển khai của địa phương. Tiếp theo là nhà đầu tư phải tính toán về nhu cầu chặt chẽ hơn. Nếu làm tốt hai việc này thì vấn đề khoáng sản, vật liệu xây dựng cho các dự án có thể triển khai bình thường” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Dù vậy, ông Hà cũng lưu ý là việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, tính toán tiến độ, lộ trình khai thác khoáng sản, vật liệu san lấp các dự án hạ tầng vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tất cả phải đảm bảo hài hòa, trong đó tiêu chí bảo vệ môi trường phải được đề cao.