Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Điều kiện mua bán nhà ở xã hội cần đơn giản

(PLO)- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng trình tự thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội hiện nay nên quy định đơn giản, hậu kiểm thay cho tiền kiểm, điều kiện mua bán cần đơn giản để người dân dễ tiếp cận.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và các tỉnh, thành về dự thảo (lần 4) Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Dự án nhà ở xã hội Nam Long.
Dự án nhà ở xã hội Nam Long ở TP Cần Thơ. Ảnh minh họa: CTV

Nhiều ý kiến góp ý xác đáng

Tại cuộc họp, có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, bộ ngành và địa phương đã góp ý cho một số quy định trong dự thảo.

Cụ thể như quy định về quỹ đất dành cho nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là khó thực hiện. Một số trường hợp như đất đấu giá, quỹ đất trao đổi cho hợp đồng BT (đối tác công tư) thì cần loại bỏ quy định nhà đầu tư phải dành quỹ đất cho nhà ở xã hội; Khuyến khích chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đầu tư trên quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội; đối tượng miễn giảm tiền thuê nhà ở xã hội…

Nhiều ý kiến góp ý được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá là “đúng đắn” và yêu cầu ban soạn thảo sửa ngay.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị về cơ chế tài chính thực hiện việc này thì cần nghiên cứu lại gói tài chính 30 ngàn tỉ cho vay phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại từng thực hiện rất tốt trong giai đoạn năm 2013-2016.

Đồng thời, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… nghiên cứu cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội một cách thống nhất, tập trung.

Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cùng với nguồn tiền đóng góp để phát triển nhà ở xã hội từ các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và các nguồn xã hội khác, không để gánh nặng cho các ngân hàng thương mại khi tham gia các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội.

Nghị định cần có thêm các quy định mang tính chính sách có tính dài hơi về quy hoạch, bố trí quỹ đất trong phát triển đô thị, nông thôn, dành ngân sách Nhà nước kết hợp với các nguồn khác cho các dự án nhà ở xã hội.

Cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian

Theo Phó Thủ tướng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là những chính sách có tính dài hơi còn ít, do đó phải nhấn mạnh hơn vai trò quy hoạch, quản lý của nhà nước trong vấn đề đất đai, bố trí quỹ đất, bố trí ngân sách nhà nước và huy động các nguồn khác.

Về quy trình thủ tục, Phó Thủ tướng cho rằng: “Nhà ở xã hội mà ta cứ làm giống như nhà ở thương mại. Tôi đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát lại thủ tục, để tất cả thủ tục nhà ở xã hội trong một gói. Nếu các thủ tục làm dự án khác mất khoảng một tháng thì với nhà ở xã hội chỉ cần 10 ngày thôi.”

Tuy nhiên, để làm được điều đó Phó Thủ tướng cho rằng phải quy định rất rõ về tiêu chí đối tượng xã hội, tiêu chí về quy hoạch phải đi trước một bước, chương trình phát triển nhà ở nói chung trong đó có nhà ở xã hội nói riêng, nhà ở xã hội cần được ưu tiên.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trình tự thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội hiện nay nên quy định đơn giản; hậu kiểm thay cho tiền kiểm; điều kiện mua bán cần đơn giản. Việc thẩm định điều kiện để làm dự án nhà ở xã hội cần quy định rạch ròi, cái nào được thì nên giao cho cấp xã, phường vì họ trực tiếp quản lý, làm sao để việc đăng ký thống nhất và đơn giản hơn.

Về một số vấn đề cụ thể như điều kiện thu nhập, giá bán trần, thời gian quy định giá bán trần… Phó Thủ tướng đề nghị theo nguyên tắc cắt giảm thủ tục cho rõ hơn.

Đối với thanh tra, kiểm tra dự án nhà ở xã hội nên có quy định ràng buộc để không làm cho các dự án này bị đình trệ. Kinh nghiệm là làm xong sẽ hậu kiểm, nếu sai sẽ xử lý, trừ trường hợp dự án sai về phòng cháy chữa cháy, không đủ tiêu chuẩn an toàn thì phải xử lý ngay.

Chỉ quy định nội dung được Luật Nhà ở 2023 giao

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, dự thảo nghị định đã được nghiên cứu xây dựng trên nguyên tắc chỉ quy định các nội dung được Luật Nhà ở năm 2023 giao; Tiếp tục đẩy mạnh, cắt giảm thủ tục hành chính tại dự thảo nghị định.

Cụ thể như dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân (LLVT) được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và chủ đầu tư dự án không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất cũng như thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;

Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho LLVT không phải thực hiện thẩm định giá thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho LLVT.

Quy định cụ thể các chi phí hợp lý, hợp lệ được tính vào giá bán, giá cho thuê mua, thời điểm xác định giá để đảm bảo minh bạch, thuận tiện cho doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh;

Các điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội đơn giản hơn so với Luật Nhà ở năm 2014;

Quy trình mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội được rút ngắn và đơn giản hơn về phương thức thực hiện nhằm giảm áp lực cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Quy trình mua, thuê mua, thuê nhà ở cho LLVT được nghiên cứu xây dựng, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính đảm bảo phù hợp với đặc thù của các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm