Năm 2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Duy Hiếu (Giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Phương Anh) trả lại 10 kg vàng. Bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng đến nay UBND TP.HCM vẫn chưa thi hành án.
Mới đây Phòng Kinh tế (thuộc Văn phòng UBND TP.HCM) có văn bản báo cáo UBND TP.HCM vụ tịch thu 10 kg vàng của ông Hiếu.
Theo báo cáo này, liên quan bản án hành chính giữa ông Hiếu và UBND TP, ngày 7-3, TAND TP.HCM có công văn đề nghị ủy ban tổ chức cuộc họp để trao đổi việc tòa ban hành quyết định buộc thi hành án đối với bản án.
Sự việc này xảy ra ngày 9-5-2014, chủ tịch UBND TP ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại đối với ông Hiếu 15 triệu đồng vì kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Ngoài hình thức xử phạt chính này, ủy ban còn xử phạt bổ sung tịch thu 10 thỏi vàng (tổng trọng lượng hơn 10.000 g). Quyết định này dựa trên biên bản vi phạm hành chính do công an lập ngày 21-4-2014. Từ đó ông Hiếu khởi kiện hành chính ra TAND TP.HCM yêu cầu hủy quyết định của chủ tịch UBND TP.HCM xử phạt hành chính và trả lại vàng cùng ngoại tệ.
Theo ông Hiếu, 10 thỏi vàng trên không phải là vàng của công ty ông đang kinh doanh. Đây là số vàng riêng của vợ cất giữ từ lâu, là của hồi môn mẹ vợ cho khi vợ chồng ông kết hôn năm 2008. Việc tịch thu vàng trên là không có căn cứ, không khách quan khi chỉ dựa vào giám định số vàng thỏi trên không phải do Việt Nam sản xuất đã cho là kinh doanh nhập lậu. Người khởi kiện cho rằng số vàng trên là tài sản riêng của vợ, pháp luật không cấm việc cất giữ số vàng này...
Ngoài ra, quyết định của chủ tịch UBND TP cũng không thấy xử lý để trả lại 13.800 USD mà công an hiện tạm giữ khi lập biên bản vi phạm hành chính. Theo ông Hiếu, số ngoại tệ này không phải là tang vật vi phạm hành chính bởi đây là số tiền vợ chồng ông dành dụm cất giữ trong quần áo. Việc thu giữ này là trái luật...
Từ đó, ông Hiếu yêu cầu hủy quyết định xử phạt hành chính và trả lại số vàng. Đồng thời, chủ tịch phải ra quyết định trả lại số ngoại tệ cho vợ chồng ông. Tuy nhiên, phía ủy ban cho rằng đã áp dụng đúng các trình tự luật định, xử phạt có căn cứ.
Đầu năm 2016, xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã đồng tình với phía ủy ban và công an trong việc giải quyết vụ việc này. Tòa cho rằng bên khởi kiện không có căn cứ, không có cơ sở chứng minh thuyết phục cho các yêu cầu của mình nên bác.
Tuy nhiên, tháng 11-2016, xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng cáo, sửa án. Cụ thể cấp phúc thẩm tuyên hủy quyết định của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, bản án này dù có hiệu lực ngay khi tuyên án nhưng đến nay vẫn chưa thi hành.
Theo phía Phòng Kinh tế của ủy ban, ngày 7-6-2017, UBND TP.HCM có công văn gửi Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, đề nghị đơn vị này có văn bản đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM giải thích cụ thể việc thực hiện bản án.
Đến ngày 14-7-2017, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM gửi văn bản cho Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM. Tuy nhiên, đến nay TAND Cấp cao vẫn chưa phản hồi văn bản này.
Tiếp đó, UBND TP.HCM tiếp tục gửi văn bản cho viện trưởng VKSND Tối cao, đề nghị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm đối với bản án của TAND Cấp cao tại TP.HCM. Lần này VKSND Tối cao phản hồi yêu cầu bổ sung đơn đề nghị giám đốc thẩm, kèm theo tài liệu.
Theo tìm hiểu thì đến thời điểm ông Hiếu đề nghị TAND TP.HCM buộc ủy ban thi hành án thì vẫn chưa có quyết định xem xét giám đốc thẩm đối với bản án, hoặc yêu cầu hoãn thi hành bản án. Theo luật định, sau khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà ủy ban không thi hành án thì ông Hiếu có quyền đề nghị tòa án ra quyết định bắt buộc thi hành án.
Chúng tôi đã liên hệ với phía ông Hiếu thông qua người đại diện của ông trong vụ kiện để trao đổi thông tin. Tuy nhiên, bên này cho biết do vụ án chưa kết thúc nên chưa cung cấp cũng như trao đổi thêm gì…
PLO sẽ cung cấp thêm thông tin diễn biến mới của vụ việc này.