Bạo lực học đường: Đừng chỉ giật mình rồi để đó

(PLO)- Đã đến lúc cần lắm sự vào cuộc của các cấp quản lý để cho ra những quyết sách thiết thực trong chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng khi theo dõi thông tin vụ việc nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên ĐH Vinh tự tử tại nhà, nghi do bạo lực học đường. Sự việc đau lòng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người lớn về tình trạng bạo lực học đường và vấn đề sức khỏe tâm thần học đường.

Nguyên nhân của vụ việc nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên ĐH Vinh tự tử vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Tuy nhiên, những thông tin ban đầu được chia sẻ từ phía giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu và phụ huynh đã cho thấy nữ sinh này đã chịu những áp lực tinh thần rất lớn trong những ngày còn đi học trước đó.

Đau lòng hơn, em lại là một học sinh giỏi. Những bất ổn tâm lý của em đã phần nào được bộc lộ trong thời gian dài với phụ huynh và bày tỏ nguyện vọng lên giáo viên, nhà trường rằng em muốn chuyển lớp. Thế nhưng chính người lớn vì nhiều lý do đã không nhận diện ra ca bạo lực học đường nghiêm trọng trong tình huống này, vô tình đã không trao tấm phao cứu sinh cho em học sinh tuổi 16.

Nhìn thẳng vào thực tế thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường đâu đó vẫn là câu chuyện nhức nhối. Bởi theo số liệu của Bộ GD&ĐT đưa ra năm 2022, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau… Những con số này chưa kể đến những hình thức bạo lực tinh thần qua ngôn từ, thái độ hay bắt nạt trực tuyến…

Với sự phát triển của mạng xã hội, bạo lực học đường ngày nay đâu chỉ có đánh nhau, mà nó còn là những hành vi tẩy chay, bắt nạt… một cách âm thầm, khó nhận diện. Theo nghiên cứu gần đây của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8%-29% trẻ em đang trong độ tuổi 10-19 ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần nói chung. Nguyên nhân liên quan đến bắt nạt và căng thẳng xã hội, bầu không khí học đường, áp lực học tập. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.

Thực ra, những con số đáng giật mình đó không phải là mới. Từ cấp bộ, ngành đến địa phương thời gian qua đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo đến tọa đàm để bàn luận, tìm giải pháp những vấn đề này. Nhưng rồi… đâu lại vào đó.

Ngay như TP.HCM là nơi có gần 2 triệu trẻ đang đi học, từ chục năm nay vẫn loay hoay mãi bài toán chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh vì “đụng đâu cũng khó”. Khó từ kế hoạch mở phòng tư vấn tâm lý, mở được thì lại không có người phụ trách, không có định biên, thiếu nguồn tuyển, thu nhập quá thấp...

Câu chuyện loay hoay ấy đang hiện diện ở nhiều địa phương trên cả nước chứ không chỉ riêng nơi nào. Để rồi khi xảy ra chuyện học sinh nào đó tự tử, người lớn lại bàng hoàng khi biết nguyên nhân qua những lá thư tuyệt mệnh hay tin nhắn thở than của các em. Nếu chúng ta cứ mãi giật mình rồi để đó thì e rằng sẽ còn xảy ra những trường hợp đau lòng tương tự.

Đã đến lúc cần lắm sự vào cuộc của các cấp quản lý để cho ra những quyết sách thiết thực trong chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh. Những quyết sách này phải có dấu ấn từ trái tim, sự thấu hiểu của những người thầy, từ bậc làm cha, làm mẹ để mỗi ngày đến trường với các em thực sự là một ngày vui.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm