Bên trong khu chung cư hiện đại, đắt tiền, một cháu bé đã chết vì mẹ kế tàn độc và người cha vô tâm. Theo lời của hàng xóm, việc con bị hành hạ diễn ra không phải ngày một ngày hai.
Nhưng chưa có hội nhóm, tổ chức bảo vệ trẻ em nào vào cuộc. Trước khi con ra đi, con chỉ được bảo vệ tối đa ở mức hàng xóm báo với bảo vệ và ban quản lý chung cư. Liệu sau mỗi lần ban quản lý làm việc, con có bị hành hạ hơn vì làm bẽ mặt bố mẹ trước người ngoài?
Nếu được cha mẹ bảo vệ, con sẽ không bị ai bạo hành. Con sống chung nhà với cha nhưng không nhận được sự bảo vệ nào từ ông. Con có mẹ và em nhưng lại bị cấm cản, không được gặp mặt họ. Mẹ không biết về tình trạng sức khỏe, tinh thần, học tập của con trong suốt một năm qua.
Có hay không một câu nói khẳng định của người mẹ: "Nếu không cho tôi gặp con, tôi sẽ báo công an vì anh, chị đã vi phạm quyền, nghĩa vụ của người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Không ai được cản trở người mẹ trong việc thăm nom, chăm sóc con".
Ở độ tuổi đứa trẻ có nhu cầu tỉ tê với bố mẹ đủ chuyện trường lớp, bạn bè, về những món ăn, đồ chơi con thích, con lại nhận được đòn roi và sự ghẻ lạnh bao trùm. Chỉ khi con ra đi, những lá đơn tố cáo mới được gửi đến cơ quan chức năng, đến Hội bảo vệ trẻ em thành phố.
Nếu con được gặp mẹ và nói hết lòng mình…
Nếu người bố đứng ra bảo vệ con trước mỗi trận đòn roi…
Nếu người mẹ thứ hai kia có nhân tính và đối xử với con một cách bình thường...
Nếu mỗi hàng xóm, ban quản lý chung cư làm mạnh tay hơn khi biết con bị hành hạ…
Nếu tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - 111 được phổ biến rộng rãi hơn…
Thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Nhưng cuộc đời con chỉ có một và không thể xuất hiện nhiều chữ "nếu", "giá như"…