Ngày 6-6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn nhiều câu hỏi của đại biểu tại nghị trường.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn.
Mở đầu phiên chất vấn, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng rất ý thức được trách nhiệm trước nhân dân về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Nhưng đây là lĩnh vực rộng, cần thời gian đổi mới, bản thân ngành còn nhiều hạn chế, tồn tại.
Đặc biệt, còn nhiều vấn đề gây bức xúc, chưa đạt mong muốn của cử tri. Với tư cách người đứng đầu ngành giáo dục, ông Phùng Xuân Nhạ nói: “Tôi xin chịu trách nhiệm về những việc chưa làm được, đồng thời sẽ phối hợp cùng các ngành, địa phương nỗ lực làm tốt hơn nhiệm vụ…”, ông Nhạ nói.
Dứt lời, ĐB Nguyễn Thị Dung (Thái Bình), chất vấn về vấn đề phân luồng nguồn nhân lực. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề nghị Bộ đưa ra giải pháp huy động các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; học sinh không phải ra nước ngoài học.
Trả lời về vấn đề phân luồng nguồn nhân lực, ông Đào Ngọc Dung thừa nhận hiện nay trong chương trình phổ thông chưa định hướng rõ việc phân luồng, còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Việc này Trung ương và Quốc hội nêu rõ phải thực hiện tốt việc phân luồng.
“Theo đó, ngành phải xây dựng được đội ngũ tư vấn hướng nghiệp. Vừa qua, làm đề án khảo sát, mới đạt 76,9% học sinh khi tốt nghiệp cơ sở tiếp tục vào phổ thông, chưa đạt 30% tỉ lệ như Chính phủ chỉ đạo. Cần tiếp tục bồi dưỡng hướng nghiệp, chứ kiêm nhiệm như hiện nay không hiệu quả, chưa cao. Tới đây chấn chỉnh điều này…”, Bộ trưởng nói.
Riêng câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Thân, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng Đảng, Nhà nước rất quan tâm, giành 20% đầu tư giáo dục. Tuy nhiên chưa được nhiều, cần thêm nguồn đầu tư xã hội, đây cũng là kinh nghiệm của các nước. Chủ trương này cũng được Thủ tướng chỉ đạo quan tâm.
“Chúng tôi cũng có đề án tăng cường đầu tư tư nhân. Hàng năm số sinh viên của ta ra nước ngoài nhiều, tổng chi phí 3-4 tỉ USD. Bài toán làm sao thu hút được học sinh để không cần ra nước ngoài mà học trong nước cũng tốt. Ngành cũng tham mưu cho Chính phủ khuyến khích để tư nhân đầu tư. Hiện nhiều tập đoàn lớn cũng đầu tư vào giáo dục. Tới đây ngành sẽ tập trung mạnh xã hội hóa. Thời gian qua đã làm nhưng nhà đầu tư làm chưa mạnh. Vừa qua, Thủ tướng đi Úc, New Zealand tham quan, tới đây Bộ sẽ làm tốt việc này….”, ông Nhạ hứa trước Quốc hội.