Hôm qua, triều cường dâng cao khiến nhiều khu vực ở TP.HCM như quận 7, Nhà Bè, Bình Thạnh, Bình Tân… bị chìm trong biển nước. Triều cường cũng gây ngập TP Cần Thơ, nhiều tuyến đê bao xung yếu vùng đồng bằng sông Cửu Long bị vỡ.
Cắm cây để tránh hố sâu
Sáng sớm qua, 9-10, đỉnh triều dâng cao đúng thời điểm người dân ra đường đi làm. Cứ mỗi lần triều cường dâng cao, con đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP.HCM đoạn gần dưới chân cầu Phú Mỹ lại chìm trong nước khiến việc đi lại, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.
“Rút kinh nghiệm, sáng nay tôi đi sớm hơn chút để tránh triều cường nhưng vẫn không thoát. Người, xe đã ngập rồi mà đường còn bị chắn bởi lô cốt thi công khiến kẹt xe liên tục, thấy mệt mỏi ghê” - anh Hoàng Quân, người sống gần đó, cho biết.
Theo quan sát của PV, do nước ngập sát lề, người đi xe máy phải đi sát vào phần đường dành cho ô tô sát dải phân cách bằng bê tông ở giữa khiến giao thông sáng 9-10 thêm phần hỗn loạn. Ngoài ra, để tránh các ổ gà, ổ voi ở giữa đường, người dân phải cắm cây, lấy các thùng nhựa đánh dấu để mọi người biết đường mà tránh. Tuy nhiên, vẫn còn những hố sâu chìm dưới nước do công trình đang thi công; chỉ trong vòng ít phút, nhiều phụ nữ và cả nam giới đều bị té nhào, quần áo lấm lem vì ướt.
Chung cảnh ngộ, con đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè cũng chìm sâu trong nước từ gần tờ mờ sáng khiến những người buôn bán, chở hàng phải rất vất vả mới có thể đến chợ sớm. Nước dâng cao làm con đường ngập sâu tầm hơn nửa mét, nhiều xe chết máy phải dắt lội bì bõm giữa dòng nước.
Ngoài ra, các khu vực bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh), đường Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân)… cũng bị triều cường tấn công làm cuộc sống người dân đảo lộn.
Dòng người, xe rồng rắn tránh triều cường trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP.HCM. Ảnh: KIÊN CƯỜNG
Người dân cùng chính quyền địa phương nỗ lực khắc phục vỡ đê Tân Đông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, Bến Tre. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Dùng bao cát làm tường ngăn triều
Ngày 9-10, triều cường tiếp tục dâng cao, ngày hai lần vào buổi sáng sớm và xế chiều khiến nhiều nơi ở TP Cần Thơ bị nhấn chìm trong nước. Người dân phải đắp bao cát thành tường rào để ngăn nước tràn vào nhà.
Tại các con đường chính của TP Cần Thơ như Trần Hưng Đạo, Mậu Thân, Cách Mạng Tháng Tám, 30 Tháng 4, Trần Văn Hoài…, từ các lỗ cống nước không ngừng trào lên bao phủ cả mặt đường. Có nơi nước ngập sâu hơn nửa mét trông chẳng khác nào sông. Các phương tiện qua lại khó khăn, nhiều xe chết máy, nhất là vào những giờ cao điểm.
Ở các tuyến hẻm, nước cũng gây ngập cục bộ. Có nơi nước tràn cả vào nhà khiến người dân khổ sở tìm cách chống ngập. Có nơi nước ngập sâu, người dân không thể ra khỏi nhà. Anh Tô Thanh Tiến, ngụ khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, cho biết: “Mấy ngày nay nước nhấn chìm cả khu vực này. Nhà tôi và nhiều nhà khác bị nước bủa vây. Từ ngoài đường tới trong nhà đều bị ngập nước, có nơi sâu đến nửa người, cuộc sống của gia đình tôi bị đảo lộn hoàn toàn”.
Liên tiếp vỡ đê
Ngày 9-10, Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, Bến Tre đã có báo cáo nhanh gửi lãnh đạo huyện về tình hình triều cường gây sạt lở nhiều đoạn tuyến đê bao trên địa bàn, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống và vườn cây ăn trái của người dân. Thiệt hại ước tính ban đầu trên 7,5 tỉ đồng.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, trước tình hình triều cường dâng cao gây vỡ đê hàng loạt, những ngày qua chính quyền địa phương đã phối hợp vận động nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng ra sức khắc phục, gia cố đê bao. Đồng thời địa phương đã thuê xáng cạp để khắc phục từ ngày 9 đến 10-10.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, từ chiều 7-10, tại tuyến đê Tân Bắc (xã Tân Phú), triều cường dâng cao khiến cống đập Sáu Luông bị vỡ với chiều dài khoảng 10 m, gây ngập úng khoảng 30 ha vùng chuyên canh cây ăn trái. Hiện trạng mặt đê bị sạt lở còn khoảng 0,3 m, phần mái phía bờ sông bị xói lở thẳng đứng.
Trước đó, chiều 5-10, triều cường dâng cao tại khu vực sông Ba Lai thuộc ấp Tân Đông (xã Tân Phú) gây vỡ khoảng 50 m tuyến đê Tân Đông, làm vùng chuyên canh cây ăn trái khoảng 50 ha (chủ yếu là sầu riêng) của địa phương ngập sâu trong biển nước 0,5-1 m. Đồng thời, cuộc sống và việc nuôi thủy sản của người dân cũng bị ảnh hưởng.
Đỉnh triều tiếp tục lên trong vài ngày tới Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước lúc 7 giờ ngày 9-10 tại trạm Phú An (trên sông Sài Gòn) ở mức 1,65 m, vượt báo động 3 là 0,15 m. Dự báo mực nước ít biến đổi và ở mức cao trong 1-2 ngày tới. Đỉnh triều sắp tới có thể ở mức 1,65-1,68 m, trên báo động 3 và duy trì đến ngày 13-10. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hôm qua mực nước trên sông Hậu (Cần Thơ) là 2,21 m, vượt mức báo động 3 là 0,31 m. Trong khi đó, ở trạm Tân Châu và Châu Đốc (An Giang) mực nước dưới mức báo động 2. Dự báo mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống chậm, hạ lưu sông Cửu Long tiếp tục lên và đạt mức cao nhất vào ngày 10 và 11-10. Vùng nội đồng nước ít biến đổi trong năm ngày tới. Trước tình hình triều cường dâng cao, Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM yêu cầu UBND các quận/huyện, nhất là quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân, Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn thông báo thường xuyên trên các phương tiện truyền thông về diễn biến đợt triều cường để người dân biết, chủ động phòng tránh. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần chủ động ứng phó, chuẩn bị vật tư để kịp thời xử lý, cơi đắp bờ bao xung yếu, không để xảy ra tình trạng bể bờ bao gây ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. |