Theo báo cáo của cơ quan điều tra, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn là do nạn nhân Nguyễn Văn Ngộ khi đón vẫy xe khách, thiếu quan sát, bị vấp chân vào nắp hố ga, mất thăng bằng, ngã vào hố ga dẫn đến tử vong. Đây là nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Ngộ. Còn đơn vị thi công công trình nâng cấp đường Kinh Dương Vương có thiếu sót nhưng không phải là quan hệ nhân quả dẫn đến cái chết của ông Ngộ nên không khởi tố vụ án hình sự.
Vụ này nếu xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả thì tôi chỉ đồng ý với cơ quan điều tra một nửa. Đúng là nạn nhân cũng có lỗi khi vẫy xe khách, thiếu quan sát, bị vấp chân vào nắp hố ga, mất thăng bằng, ngã vào hố ga dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, nếu đơn vị thi công làm đúng quy định của pháp luật như có rào chắn, có nắp đậy hố ga và có thiết bị cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường thì làm gì có tai nạn xảy ra.
Nạn nhân có lỗi vô ý là không thể phủ nhận nhưng nếu chỉ do lỗi của nạn nhân, còn đơn vị thi công đã làm hết trách nhiệm, đúng pháp luật thì mới xác định lỗi hoàn toàn từ phía nạn nhân và đơn vị thi công vô can. Ở đây cần phải xác định cả hai bên đều có lỗi và đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả chết người.
Theo lý luận về tội phạm học thì lỗi là một trong những căn cứ xác định trách nhiệm hình sự (dù đó là lỗi cố ý hay vô ý, trực tiếp hay gián tiếp). Trong trường hợp cụ thể này, nạn nhân và đơn vị thi công đều có lỗi dẫn đến hậu quả nên đều phải chịu trách nhiệm. Do đó, đơn vị thi công không thể chối bỏ trách nhiệm của mình. Cơ quan điều tra đã nhầm lẫn giữa lỗi và “điều kiện” nên mới cho rằng những thiếu sót của đôn vị thi công như không có rào chắn, không nắp đậy hố ga, thiếu người cảnh báo… chỉ là điều kiện nên mới không khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Trong khi đó ở đây, đơn vị thi công cũng có lỗi, nếu không sự tắc trách của đơn vị thi công thì nạn nhân đã không thiệt mạng.
ảnh: Hố ga chỉ được đóng nắp và có rào chắn sau khi xảy ra sự cố chết người. Ảnh PLO
Giả thiết, nạn nhân không phải là ông Nguyễn Văn Ngộ người có đủ năng lực hành vi mà là một người tâm thần hoặc trẻ em dưới 13 tuổi thì trường hợp này hậu quả xảy ra lỗi hoàn toàn thuộc đơn vị thi công. Tuy nhiên, ông Ngộ là người có năng lực hành vi nên tai nạn xảy ra cho chính bản thân ông, ông cũng phải chịu một phần. Cách xác định lỗi này chủ yếu để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cũng như các trường hợp tai nạn xảy ra khác mà nạn nhân cũng có lỗi.
Đành rằng theo quy định của pháp luật thi khi nạn nhân cũng có lỗi thì trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm dân sự của người gây ra tai nạn cũng được giảm nhẹ tính theo mức độ lỗi của mỗi bên chứ không loại trừ trách nhiệm hình sự hay dân sự cho bên gây tai nạn được.
Thực tế đã có nhiều vụ án, do thi công ẩu, không có những cảnh báo cần thiết để người dân tránh mà gây hậu quả nghiêm trọng đều bị xử lý theo pháp luật. Chưa kể trước khi xảy ra tai nạn chết người, đơn vị thi công này đã từng ba lần bị Thanh tra Sở GTVT xử phạt hành chính với số tiền 49 triệu đồng do không đảm bảo các quy định về an toàn mà đã bị xử lý hành chính mà còn tái phạm gây hậu quả chết người thì không thể không khởi tố vụ án?
Thiết nghĩ Cơ quan điều tra Công an TP.HCM cần hủy quyết định không khởi tố vụ án của Công an quận Bình Tân, đồng thời củng cố tài liệu, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với đơn vị thi công. Có như vậy mới bảo đảm pháp luật được thực thi đúng đắn và dư luận mới đồng tình.
Một số vụ bị khởi tố Tháng 8-2011, anh Phạm Văn Chiêu chạy xe máy đến Km 25+300 quốc lộ 51 đoạn qua xã Long An, Long Thành, Đồng Nai. Do đoạn đường này đang thi công nên mặt bằng hiện hữu chênh cao hơn mặt đường đang làm 10-20 cm kéo dài dài 38 m. Nhưng đơn vị thi công không có biển cảnh báo và hàng rào chắn nên anh Chiêu chạy xe vào phần đường đang thi công. Gầm máy xe của anh máng vào gờ đường có độ chênh 13 cm làm anh ngã ra phần đường hiện hữu bên trái rồi bị một ô tô cán trúng khiến anh tử vong. Công an huyện Long Thành xác định trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công thuộc về Công ty TNHH MTV Thái Huy Hoàng do Huỳnh Thái Phong là đội trưởng phụ trách thi công. Phong đã không thực hiện việc lắp đặt biển báo hiệu, rào chắn để đảm bảo an toàn theo quy định, dẫn đến hậu quả chết người. Tháng 7-2013, VKSND huyện này truy tố Phong về tội cản trở giao thông đường bộ theo Điều 203 BLHS. Hai tháng sau, TAND huyện đã phạt Phong một năm cải tạo không giam giữ về tội này. Cũng trong năm 2011, tại xã An Phước, Long Thành, Đồng Nai xảy ra một vụ tai nạn giao thông do tông vào rào chắn đường đang thi công làm chết một người. Nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn là do rào chắn của đơn vị thi công đặt không đúng quy định. Sau đó, Công an huyện Long Thành đã khởi tố Vũ Văn Trường (đội trưởng đội thi công thảm nhựa và làm đường) cùng Thái Đình Vũ (cán bộ phụ trách an toàn trên toàn tuyến của ban điều hành quản lý dự án) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng…(T.TÙNG tổng hợp) |
ĐINH VĂN QUẾ (nguyên Chánh Tòa Hình sự, TAND Tối cao)