Mới hơn 1 giờ chiều nhưng phòng khám quân dân y nhà sinh hoạt cộng đồng, khu dân cư (KDC) văn hóa biển Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã chật kín người, chủ yếu là bệnh nhân cao tuổi. Phía bên trong, y sĩ Khánh tất bật xoa bóp, châm cứu, lấy thuốc cho từng người.
“Có chú Khánh, bà con đỡ vất vả”
Sau 20 phút xoa bóp và châm cứu, y sĩ Khánh vỗ bộp bộp vào vùng đùi một ông cụ rồi thở phào: “Xong rồi, ông đứng dậy đi thử cho con coi nào”. “Ồ, ngon lành hơn rồi đó chú nghen!” - ông lão vừa khấp khởi đi lại trong phòng vừa cười khà khà, hài lòng với chiếc chân vừa được y sĩ Khánh chữa hết đau.
Bà Đặng Thị Chi (76 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Bắc) cầm chiếc nón rách bước vào phòng, gọi: “Khánh coi răng bà đau quá!”. “Sao vậy bà?”. Nghe y sĩ hỏi, bà cụ liền vén áo, xoa đôi bàn tay nhăn nheo, chai sạn vào bụng, nhăn nhó: “Từ qua tới giờ bụng bà khó chịu quá!”. Hỏi han sơ qua, anh bật cười: “Không sao bà nhé. Chắc là do bà ăn uống không đảm bảo thôi. Bây giờ bà nằm xuống để con massage rồi chút con lấy thuốc cho bà uống”. Bà Chi nghe thế thì liền gật đầu rồi nằm sấp xuống giường bệnh.
Nói về y sĩ Khánh, bà Chi thủ thỉ: “Tui có tuổi rồi, sức khỏe kém nên tuần mô cũng phải ghé xin thuốc. Biết gia đình tui khó khăn nên bao năm qua tiền thuốc men, tiền khám chữa bệnh hắn không lấy đồng mô cả. Năm ngoái tui bị đau chân, hắn còn chạy xe đến tận nhà châm cứu cho tui cả tháng trời. Hắn bảo trời nắng như rang, con không đành lòng nhìn bà chống gậy đến phòng khám. Bà cứ ở nhà nghe, con tranh thủ chạy xe một xíu là đến chứ có nhọc nhằn chi. Nghĩ cũng tội nhưng may mà có chú Khánh nên bà con đỡ vất vả”.
Y sĩ Khánh vượt qua nhiều khó khăn để ngày ngày chăm sóc sức khỏe cho bà con nghèo. Ảnh: T.AN
Xin tiền vợ mua thuốc cho người nghèo
Phải đến cuối giờ chiều, khi bệnh nhân vãn dần thì y sĩ Khánh mới có thời gian tiếp chuyện chúng tôi. “Chiều nay còn ít đó, chứ đỉnh điểm có ngày tôi phải khám và điều trị cho trên dưới 50 bệnh nhân. Tối về tay không bưng nổi bát cơm luôn” - lau vội những giọt mồ hôi trên trán, anh cười nói.
Đại úy y sĩ Ninh Công Khánh quê ở Nam Định. Gần 10 năm qua, cứ đều đặn các buổi chiều từ thứ Hai đến thứ Năm và sáng thứ Sáu hằng tuần, bà con lại tập trung tại phòng khám để được anh chăm sóc sức khỏe. Hầu như tất cả loại bệnh từ hắt hơi, sổ mũi đến xương khớp, cột sống, y sĩ Khánh đều dùng phương pháp diện chẩn và tác động cột sống để chữa trị thay vì cho bệnh nhân uống thuốc.
Y sĩ Khánh cho biết phần lớn cuộc sống của người dân làng biển đều còn rất nhiều khó khăn. Hồi mới hoạt động, phòng khám không đủ điều kiện cấp thuốc bảo hiểm y tế nên anh và các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Hải Vân vừa thay nhau ủng hộ ngày lương, vừa phải vận động khắp nơi để đảm bảo nguồn thuốc phục vụ bà con. Ngoài tủ thuốc cấp phát miễn phí, anh còn bỏ tiền túi đóng “tủ thuốc đồng giá” 15.000 đồng. Bất kỳ ai, bất cứ bệnh gì, anh cũng lấy 15.000 đồng/hai liều thuốc.
Rồi anh lấy tiền đâu để… bù lỗ và tiếp tục mua thuốc? Nghe hỏi, anh đưa tay lên gãi đầu rồi tủm tỉm: “Thiếu tiền thì xin ký nợ hoặc về nhà… xin vợ chứ sao. May mắn là cũng có nhiều người biết và ủng hộ việc tôi làm. Tôi còn có một người vợ tuyệt vời nữa. Bà xã là hậu phương vững chắc để tôi tiếp tục công việc”.
Tất bật chữa bệnh cho hai nơi
Cuối năm 2015, y sĩ Khánh bất ngờ được điều động về nhận nhiệm vụ mới tại bệnh xá Biên phòng TP. Ngày chuyển đi, anh bàn giao lại tủ thuốc cho đồng đội rồi tuyên bố bỏ nghề.
Bà Nguyễn Thị Gia (tổ 8, phường Hòa Hiệp Bắc) nhớ lại: “Tui và một vài người nữa nghe được tin thì đến nhà để động viên hắn. Tui bảo, mi khùng thiệt nghe. Mi cứ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chừng mô có thời gian thì về với bà con chứ răng lại bỏ. Tui mắng, mi chê bà con ta nghèo chứ chi? Hắn nghe mắng thì cười bảo, bà cứ tìm được chỗ đi rồi con về. Thế là tui cho Khánh mượn căn nhà nhỏ để tiếp tục khám bệnh miễn phí cho bà con”.
Chiều nào cũng vậy, sau giờ làm việc tại bệnh xá, anh lại vượt hơn 20 km về với bà con làng biển Kim Liên. Căn nhà bé xíu, bệnh nhân thì đông, y sĩ Khánh phải trải chiếu ra dọc hành lang để họ nằm chờ khám và điều trị. Có những hôm đang làm việc thì cơn mưa rào bất chợt ập đến. Mọi người không ai bảo ai, người cuốn chiếu, người cầm máy điện châm tìm chỗ trú mưa. Cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều ướt nhẹp.
Sau đó, y sĩ Khánh mượn nhà sinh hoạt cộng đồng KDC 45 (tổ 8, phường Hòa Hiệp Bắc) để có không gian điều trị tốt hơn cho bệnh nhân. Đến tháng 7-2016, anh được điều trở lại Đồn biên phòng Hải Vân theo nguyện vọng của người dân làng biển. “Tôi và bà con có một cái duyên rất kỳ lạ. Nó khiến tôi không đành lòng rời đi đâu cả. Giờ thì sáng tôi trực ở đơn vị, chiều làm ở phòng khám xong thì sang với những bệnh nhân cao tuổi ở nhà sinh hoạt tổ 8. Tuy hơi bận rộn nhưng tôi hạnh phúc vì công việc mình đang làm” - anh cười.
Con đường đến nhà sinh hoạt cộng đồng KDC 45 đâu đâu cũng bắt gặp người quen của y sĩ Khánh. Họ đều hồ hởi gọi tên anh như gọi những người con thân thiết trong gia đình. Đáp lại, anh chỉ kịp vẫy tay chào rồi phóng xe đi. Đến nơi đã thấy năm, sáu bệnh nhân ngồi chờ trước cửa. Tối đó, ánh điện nhà sinh hoạt cộng đồng sáng rất muộn.
Chia sẻ 15.000 đồng khó nhọc với dân nghèo Đều đặn mỗi tháng một lần, y sĩ Ninh Công Khánh lại chạy xe máy xuống thành phố mua bổ sung các loại thuốc vào tủ thuốc đồng giá. Nhiều loại thuốc mua tốn cả trăm bạc nhưng anh cũng chỉ lấy chừng đó tiền. “Tôi luôn tâm niệm sống là phải biết chia sẻ. Với nhiều người 15.000 đồng chỉ bằng ly cà phê, ổ bánh mì nhưng với người lao động nghèo thì nó là nguồn sống” - y sĩ Khánh chia sẻ. |